MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt độ các đại dương toàn cầu trong tháng 5.2023 đạt mức kỷ lục từ thế kỷ 19 tới nay. Ảnh: AFP

Nóng tháng 5 ở đại dương toàn cầu xô đổ mọi kỷ lục từ thế kỷ 19

Thanh Hà LDO | 08/06/2023 07:19
Nóng kỷ lục được ghi nhận ở các đại dương toàn cầu trong tháng 5.2023, cao hơn bất kì tháng 5 nào khác trong dữ liệu kéo dài từ thế kỷ 19, đơn vị giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu báo cáo ngày 7.6. 

Tháng 5.2023, nhiệt độ nước biển ở độ sâu khoảng 10 m cao hơn 1/4 độ C so với nhiệt độ của những đại dương không có băng trong trung bình của tháng 5 trong giai đoạn 1991 đến 2020, theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S). 

Xu hướng dài hạn làm cho nước bề mặt đại dương trong 40 năm qua tăng thêm 0,6 độ C, Phó giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết. Bà đồng thời lưu ý, tháng 4 năm nay cũng chứng kiến một kỷ lục mới về nhiệt độ đại dương. 

Nhiệt độ trên đại dương có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới "vì chúng ta đang thấy tín hiệu El Nino tiếp tục xuất hiện ở vùng xích đạo Thái Bình Dương", bà nói thêm. 

Trong khi đó, trên mặt nước và trên mặt đất, nhiệt độ bề mặt Trái đất vào tháng 5 được coi là tháng 5 nóng thứ hai trong lịch sử ghi dữ liệu, theo C3S.

Phát hiện của Copernicus dựa trên các mô hình do máy tính tạo ra dựa trên hàng tỉ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết trên toàn thế giới.

Nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra - chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch - đã tăng tốc. Bề mặt của hành tinh trung bình nóng hơn 1,2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp - mức độ nóng lên này dẫn tới những tác động khí hậu tàn khốc. 

Các đại dương - bao phủ 70% bề mặt Trái đất - hấp thụ 1/4 lượng CO2 mà chúng ta thải vào bầu khí quyển và 90% lượng nhiệt dư thừa do biến đổi khí hậu tạo ra.

Tuy nhiên, sóng nhiệt lan rộng trên biển đang tàn phá các rạn san hô và những hệ sinh thái phụ thuộc vào chúng, bao gồm hơn nửa tỉ người.

Các tảng băng khổng lồ tan ở phía dưới có thể khiến mức nước của các đại dương tăng thêm hàng chục mét và quá trình axit hóa đại dương đang phá vỡ các chu kì sống cùng chuỗi thức ăn từ vùng nhiệt đới đến các cực.

Khả năng hấp thụ CO2 của các đại dương - cùng với rừng và đất, nơi hấp thụ tỉ lệ lớn hơn của khí nhà kính do con người tạo ra - đang có dấu hiệu có thể giảm đi.

Copernicus cũng thông tin, nhiệt độ ở một số nơi trên thế giới cao hơn bình thường, bao gồm cả Canada, nơi cháy rừng trong vài tuần qua cho đến nay đã tàn phá hơn 3 triệu ha. 

Có 413 đám cháy rừng đang bùng cháy trên khắp đất nước từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, trong đó có 249 đám cháy được coi là "ngoài tầm kiểm soát".

Đầu tháng này, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, có 60% khả năng El Nino sẽ hình thành trước cuối tháng 7 và 80% sẽ thay đổi vào cuối tháng 11.

Hầu hết những năm nóng nhất được ghi nhận đều xảy ra trong thời kì El Nino và các nhà khoa học lo ngại mùa hè 2023 và mùa hè 2024 có thể chứng kiến nhiệt độ ở mức kỷ lục trên đất liền và trên biển.

Trong khi đó, ở Nam Cực, lượng băng biển đạt mức thấp kỷ lục hàng tháng lần thứ 3 trong năm nay. Dữ liệu vệ tinh cho thấy băng biển ở đây thấp hơn 17% so với mức trung bình trong tháng 5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn