MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Christina Koch trên Trạm Vũ trụ Quốc tế hồi tháng 9.2019. Ảnh: NASA

Nữ phi hành gia đầu tiên vừa xác lập kỷ lục NASA

Song Minh LDO | 30/12/2019 09:20

Christina Koch vừa trở thành nữ phi hành gia xác lập kỷ lục NASA khi có chuyến du hành đơn dài nhất lịch sử.

Ngày 28.12, Christina Koch đã lập kỷ lục chuyến du hành vũ trụ đơn dài nhất của một nữ phi hành gia, hoàn thành ngày thứ 288 trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Theo dự tính, Koch sẽ về trái đất vào tháng 2.2020, khi ấy là hơn 300 ngày trong vũ trụ và cô sẽ vượt qua kỷ lục nữ phi hành gia ngoài không gian lâu nhất do Peggy Whitson đang nắm giữ vào năm 2016-2017.

Một phần trong nhiệm vụ của cô là nghiên cứu việc du hành vũ trụ dài hạn tác động đến cơ thể con người như thế nào, thông tin có thể rất quan trọng khi NASA cân nhắc việc gửi phi hành gia lên sao Hỏa.

Christina Koch. Ảnh: NASA
Koch không xa lạ gì với quỹ đạo. Vào tháng 10, cô và Jessica Meir là nhóm nữ phi hành gia đầu tiên đi bộ ngoài không gian (dù đây là chuyến đi bộ ngoài không gian thứ 4 của cô). Tuy nhiên, cô vẫn rất khiêm tốn. Dù là người vừa lập kỷ lục, song cô nói sẽ rất vui được từ bỏ danh hiệu này.

"Hy vọng số 1 của tôi cho cột mốc này là kỷ lục sẽ bị phá một lần nữa càng sớm càng tốt. Bởi vì điều đó có nghĩa là chúng tôi đang tiếp tục vượt qua các ranh giới" - Koch nói với chương trình This Morning của CBS.

Xuất phát điểm của Koch là kỹ sư điện NASA, phụ trách các dụng cụ khoa học cho một số sứ mệnh của cơ quan vũ trụ này. Cô trở thành phi hành gia vào năm 2013.

Vậy tiếp theo là gì? Koch cho biết cô sẽ không ngại trở thành người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.

"Đó luôn là hình ảnh tôi vẽ trong những bức tranh đầu tiên khi tôi nói rằng tôi muốn trở thành một phi hành gia ngay lớp một" - Koch nói.

Vào tháng 5, NASA cho biết sẽ đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng, trong sứ mệnh sẽ được gọi là Artemis. Trong thần thoại Hy Lạp, Artemis là em gái của Apollo, người "cho NASA mượn tên" trong chuỗi sứ mệnh năm 1969 trong đó Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. 

NASA cho biết sứ mệnh của Artemis sẽ đưa các phi hành gia "lên bề mặt mặt trăng vào năm 2024, bao gồm cả nữ phi hành gia đầu tiên và nam phi hành gia tiếp theo".

Koch nói rằng điều cần thiết là đưa phụ nữ vào không gian.

"Điều quan trọng là không từ chối bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào, mọi người đều có vai trò và mỗi người đều có một vị trí khi chúng ta tiến lên phía trước" - cô nói với CBS This Morning.

"Nếu chúng ta sẽ đi vì cả nhân loại và để ủng hộ tình yêu khám phá của nhân loại, thì chúng ta phải làm điều đó với toàn nhân loại. ... Chúng ta phải đi cùng nhau nếu chúng ta sẽ đi và chúng ta sẽ làm điều đó một cách đúng đắn" - Koch nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn