MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nước Anh nhìn xa, đi xa

Ngạc Ngư LDO | 28/06/2021 12:06

Vào đúng thời điểm 5 năm ngày Anh trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên minh Châu Âu EU (Brexit), đảo quốc này đồng thời có nhiều động thái với ý nghĩa và tác động quyết định tới tương lai.

Thủ tướng Anh Boris Johnson xác định tương lai của nước Anh sau khi ra khỏi EU là phát triển trở thành một "Nước Anh toàn cầu". Và để đạt được mục tiêu này, ông Johnson biết rằng nước Anh đồng thời phải tiến hành những cuộc cải cách chính trị xã hội rất cơ bản, phải duy trì là đối tác đặc biệt của EU ở Châu Âu và phải vươn ra tới những vùng miền xa xôi về địa lý trên thế giới.

Sau khi cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden thoả thuận về xác định lại nội dung của cái gọi là Hiến chương Đại Tây Dương, ông Johnson đã tổ chức rất thành công hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7. Mấy ngày sau đấy, phía Anh chính thức bắt đầu quá trình đàm phán với 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thiên hạ còn thấy phía Anh đưa tàu chiến đến vùng Biển Đen, tiến sát bán đảo Crimea đến nỗi phía Nga phải dùng đến bom đạn thật để cảnh cáo và yêu cầu quay lại.

Nước Anh sau Brexit phải nhìn xa và đi xa để nước Anh sau Brexit có thể trở thành "Nước Anh toàn cầu". Nước Anh muốn trở thành "Nước Anh toàn cầu" thì phải gây dựng được cho chính mình vai trò chính trị an ninh thế giới, phải có đủ năng lực trên thực tế để hiện diện về chính trị, quân sự và kinh tế thương mại ở mọi nơi trên thế giới.

Sau khi ra khỏi EU, nước Anh chỉ còn được tham gia thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan chung của EU ở mức độ bị hạn chế. Để bù đắp lại, nước Anh phải tìm kiếm đối tác kinh tế và thương mại, tài chính và đầu tư ở các khu vực ngoài Châu Âu. Nước Anh có mối quan hệ đặc biệt truyền thống với Mỹ và vì thế ở thời nước Mỹ có chính quyền mới, Anh có thể nhanh chóng và dễ dàng có được hiệp định hợp tác thương mại song phương mới với Mỹ. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng mối quan hệ của Anh với Trung Quốc từ nhiều năm tháng nay đã rất trắc trở.

Tuy nhiên, chỉ có Mỹ là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư không thôi chưa thể đủ cho nước Anh sau Brexit. Vì thế, chiến lược của ông Johnson là vừa tìm kiếm thoả thuận thương mại tự do song phương với các nước trên thế giới, vừa nỗ lực tham gia vào các thoả thuận thương mại đa phương đang có hiệu lực, tức là những khu vực mậu dịch tự do đa phương trên thế giới. Đương nhiên, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được phía Anh đặc biệt coi trọng. Các nền kinh tế trong khu vực này, ASEAN và CPTPP thuộc diện những đối tác được chính quyền của ông Johnson dành cho ưu tiên hàng đầu.

CPTPP được phía Anh đặc biệt coi trọng và muốn tham gia sớm, bởi CPTPP là hiệp ước thương mại tự do kiểu mới với nội dung phong phú và đa dạng hơn hẳn tất cả những khu vực mậu dịch tự do khác trên thế giới và là khu vực mậu dịch tự do đầu tiên trùm phủ phạm vi cả Châu Á - Thái Bình Dương. CPTPP lại rất mới mẻ và không có sự tham gia của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tham gia CPTPP vào thời điểm hiện tại và trong bối cảnh tình hình chung hiện tại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vì thế dễ khả thi và lại còn đồng thời hứa hẹn rất có lợi đối với Anh.

Về địa lý, nước Anh không liên quan gì đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng ngay từ đầu, CPTPP được thiết kế mở cửa cho các nền kinh tế ở trong cũng như ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thu nạp CPTPP, khu vực mậu dịch tự do này vì thế sẽ có sự thay đổi rất cơ bản cả trên danh nghĩa lẫn trong bản chất. Thị trường chung được mở rộng, diện thành viên thêm đa dạng, CPTPP có thêm tiềm năng để phát triển.

Đương nhiên, phía Anh cần CPTPP cấp thiết hơn ngược lại, nhưng bên này đều có thể trở nên rất quan trọng đối với bên kia. Vì thế, tiến trình đàm phán về việc nước Anh tham gia CPTPP về cơ bản sẽ thuận lợi chứ không khó khăn và sau Anh chắc chắn sẽ có thêm nền kinh tế khác nữa trên thế giới tham gia CPTPP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn