MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Đức, tháng 5.2023. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraina

Nước phương Tây thứ hai sắp ký thỏa thuận an ninh với Ukraina

Khánh Minh LDO | 05/02/2024 15:21

Đức và Ukraina có thể ký một thỏa thuận hợp tác an ninh tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 16-18.2.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin, Đức và Ukraina đã soạn dự thảo thỏa thuận này.

Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraina vào ngày 12.1, theo đó hai nước cam kết bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công. Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tiết lộ kế hoạch thực hiện tương tự vào tháng này.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung trích dẫn các quan chức chính phủ cấp cao tuyên bố, thỏa thuận có thể được ký kết vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Tờ báo dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraina phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương, bà Olga Stefanishyna, nói rằng phái đoàn Ukraina đã soạn thảo “dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh song phương”. Bà cho biết thêm văn bản “chưa được quyết định, nhưng nhìn chung đã sẵn sàng.”

Theo bà Stefanishyna, cả Berlin và Kiev đều đồng ý rằng thỏa thuận nên được ký kết càng sớm càng tốt.

Mặc dù ca ngợi vai trò ngày càng tăng của Đức trong EU về việc hỗ trợ Ukraina, bà Stefanishyna lưu ý rằng Kiev “không phải lúc nào cũng hài lòng” với Berlin, đặc biệt là khi nước này tỏ ra hoài nghi về nguyện vọng trở thành thành viên NATO của Ukraina.

Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng thỏa thuận an ninh song phương “là chủ đề quan trọng” trong cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng đó, và thỏa thuận đã được “chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Thủ tướng Scholz nói thêm, ông “có cảm giác rằng hai bên đang trên đà đạt được các cuộc đàm phán có tính quyết định”.

Trong một bài đăng trên mạng X (trước đây là Twitter), Tổng thống Zelensky xác nhận đã thảo luận với Thủ tướng Đức về cam kết của Berlin đối với an ninh của Kiev.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7.2023, các quốc gia G7 đã đồng ý thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh song phương cho Kiev, trong khi chờ đợi khả năng nước này gia nhập khối quân sự do Mỹ dẫn đầu vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Bình luận về quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó chỉ ra rằng, mặc dù “mọi quốc gia đều có quyền đảm bảo an ninh của mình” nhưng điều này không nên gây bất lợi cho các quốc gia khác.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bác bỏ thỏa thuận được ký giữa Anh và Ukraina vào tháng 1. Thỏa thuận này bao gồm việc đảm bảo “phòng ngừa, ngăn chặn tích cực và các biện pháp đối phó chống lại bất kỳ sự leo thang quân sự và/hoặc hành động gây hấn mới nào của Nga”. Ông Lavrov mô tả thỏa thuận là "non nớt".

Nhà ngoại giao Nga giải thích: “Tôi không thấy bất kỳ điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý nào trong tài liệu này, ngoại trừ việc Ukraina sẽ ủng hộ Anh”.

Ông Lavrov cũng khẳng định các nước phương Tây không thực sự muốn thấy Ukraina gia nhập NATO hay trở thành thành viên chính thức của EU.

Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh nước này, đã cảnh báo vào tháng trước rằng Mátxcơva sẽ coi bất kỳ việc triển khai quân đội Anh nào tới Ukraina là một “lời tuyên chiến”.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Anh “tích cực ngăn cản hòa bình” ở Ukraina, đồng thời biến điều đó thành “con bài mặc cả”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn