MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ô nhiễm không khí nặng ở Đông Nam Á cản trở du lịch hồi phục

Thanh Hà LDO | 12/04/2023 14:58

Ô nhiễm không khí, chủ yếu do cháy rừng và đốt phá rừng làm nương rẫy, tiếp tục hoành hành ở Đông Nam Á, với nồng độ hạt PM2.5 thuộc hàng cao nhất thế giới ở một số khu vực.

Không khí độc hại ở khu vực Đông Nam Á đang gây hại cho sức khỏe hô hấp của người dân và dẫn tới sự suy sụp với ngành du lịch vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Bầu trời thủ đô Vientiane của Lào bị đám mây mù màu nâu bao phủ vào ngày 6.4. Nước láng giềng Thái Lan cũng bị bao phủ tương tự.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy khó thở như hôm nay" - Phet, phiên dịch viên 38 tuổi, chia sẻ với Nikkei Asia.

Tình trạng ô nhiễm tồi tệ hơn ở Lào kể từ cuối tháng 1. Vào ngày 6.4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nước này lên tới 471. Chỉ số trên 300 được coi là nguy hiểm, ở mức mà theo Dự án Chất lượng Không khí Thế giới, "mọi người nên tránh mọi hoạt động gắng sức ngoài trời".

Người dân ở Vientiane đeo khẩu trang để tránh hít phải khói bụi tồi tệ nhất.

Tình trạng ô nhiễm ở miền bắc Thái Lan, gần Lào, thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số AQI duy trì ở mức trên 300 trong 2 tuần liên tiếp ở Chiang Mai, bắt đầu từ ngày 25.3, không có dấu hiệu giảm.

Tuần trước, chính quyền Chiang Mai kêu gọi các văn phòng công cộng và doanh nghiệp tư nhân cho phép mọi người làm việc tại nhà với hy vọng giảm giao thông và làm sạch không khí.

Ô nhiễm không khí thường trầm trọng hơn từ tháng 11 đến tháng 2, khi thời tiết khô hơn và thường kéo dài đến tháng 4.

Nông dân có thói quen đốt sạch ruộng mía, cùng với đó là khói thải ôtô và cháy rừng, dẫn tới không khí có hại cho sức khỏe.

Cơ quan Phát triển Công nghệ Không gian và Địa tin học của Thái Lan cho biết, có 5.572 "điểm nóng" nơi có hiện tượng đốt ở các cánh đồng vào cuối tháng 3, con số cao nhất trong 5 năm.

Lào ghi nhận 9.652 điểm nóng và Myanmar 10.563. Các chuyên gia cho rằng, các quốc gia trong khu vực cần hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề.

Ô nhiễm không khí tràn qua biên giới. Năm 2019, vụ cháy rừng lớn đã bùng phát trên đảo Borneo và Sumatra của Indonesia. Khói từ các đám cháy đã ảnh hưởng đến Malaysia và Singapore, buộc các trường học phải đóng cửa và dẫn tới nhiều gián đoạn khác. Tác động kinh tế ước tính hơn 5 tỉ USD.

Hồi cuối tháng 3, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á kêu gọi hành động khẩn cấp về ô nhiễm không khí và cho biết các nước thành viên sẵn sàng phối hợp nỗ lực giải quyết vấn đề.

Ở Thái Lan, khói mù đang gây hại cho sức khỏe của người dân. Từ tháng 1 đến giữa tháng 3, hơn 1,7 triệu người báo cáo các vấn đề về hô hấp, viêm da hoặc bỏng mắt.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kasetsart của Thái Lan ước tính, chi phí ô nhiễm PM2.5 ở nước này vào khoảng 2 nghìn tỉ baht (58,3 tỉ USD), hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Trừ khi các bước hiệu quả được thực hiện, thiệt hại với cả nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng sẽ tăng lên.

Giờ đây, tình trạng sương mù kinh niên của khu vực đang đe dọa ngành du lịch trọng điểm của nước này. Miền bắc Thái Lan và Lào rất phổ biến với du khách nước ngoài.

Các thành phố Chiang Mai và Chiang Rai, cả ở Thái Lan, đều là những điểm thu hút lớn, cũng như Luang Phabang ở Lào.

Nhưng không khí bẩn có nguy cơ khiến du khách tránh đến khu vực này khi ngành du lịch bắt đầu phục hồi sau nhiều năm bị phong tỏa do đại dịch. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn