MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Ông Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO

Thanh Hà LDO | 30/01/2023 09:05

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Ankara có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO mà không có nước láng giềng Bắc Âu Thụy Điển.

Bình luận của ông Erdogan trong cuộc họp với các cử tri trẻ tuổi ngày 29.1 được đưa ra vài ngày sau khi Ankara đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với Phần Lan và Thuỵ Điển. 

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng tới hy vọng mở rộng NATO lên 32 thành viên tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tháng 7.2023 tại thủ đô Vilnius của Lithuania. 

Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ hàng thập kỷ không liên kết quân sự và nộp đơn xin gia nhập liên minh quốc phòng do Mỹ đứng đầu sau khi xung đột Nga - Ukraina bùng phát. 

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn là những thành viên NATO chưa phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu. Tuy nhiên, cơ quan lập pháp Hungary dự kiến phê duyệt vào tháng 2. 

Trong khi đó, lý do mà ông Erdogan nêu để từ chối ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO là việc Stockholm từ chối dẫn độ hàng chục nghi phạm mà Ankara cáo buộc có liên quan tới các chiến binh người Kurd mà Ankara coi là các phần tử ngoài vòng pháp luật và đã tham gia âm mưu đảo chính năm 2016.

Ngày 29.1, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm rõ lập trường trong vấn đề Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. "Nếu cần, chúng tôi có thể đưa ra phản ứng khác liên quan đến Phần Lan. Thụy Điển sẽ bị sốc khi chúng tôi đưa ra phản ứng khác với Phần Lan" - ông Erdogan nói.

Ông cũng nhắc lại yêu cầu Thụy Điển giao nộp các nghi phạm mà Ankara đang truy lùng.

"Nếu thực sự muốn gia nhập NATO, các vị sẽ trả lại những kẻ khủng bố này cho chúng tôi" - ông Erdogan nói.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom (trái) và Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tham dự cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO vào 29.12.2022 tại Bucharest, Romania. Ảnh: AFP 

Thụy Điển có cộng đồng người Kurd lớn hơn Phần Lan và có bất đồng với Ankara nghiêm trọng hơn.

Cả hai nước Bắc Âu đã nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc gia nhập NATO thông qua nhiều tháng đàm phán.

Thụy Điển đã thông qua một sửa đổi hiến pháp cho phép nước này ban hành luật chống khủng bố cứng rắn hơn theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả hai quốc gia đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ được áp đặt sau cuộc tấn công quân sự vào Syria năm 2019.

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng mạnh với quyết định của cảnh sát Thuỵ Điển cho phép tổ chức cuộc biểu tình mà tại đó một phần tử cực hữu đốt một bản sao của kinh Koran bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hồi đầu tháng này.

Ankara cũng tức giận với quyết định của một công tố viên Thụy Điển không buộc tội một nhóm ủng hộ người Kurd treo ngược hình nộm của ông Erdogan bên ngoài Tòa án Thành phố Stockholm.

Căng thẳng giữa Ankara và Stockholm khiến các quan chức Phần Lan lần đầu lên tiếng về khả năng buộc phải tìm kiếm tư cách thành viên NATO mà không có Thụy Điển.

Ngay từ đầu, Thuỵ Điển và Phần Lan đã tìm cách cùng nhau gia nhập NATO. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết: “Chúng tôi phải đánh giá tình hình, liệu có điều gì đó đã xảy ra mà về lâu dài có thể ngăn cản Thụy Điển tiến lên hay không”. Nhưng Ngoại trưởng Haavisto cũng nhấn mạnh việc gia nhập chung vẫn là phương án trước tiên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn