MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu về Ukraina tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ, ngày 17.1.2023. Ảnh: AP

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh LDO | 18/01/2023 08:30
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Ông Henry Kissinger phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos hôm 17.1 rằng tính trung lập của Ukraina “không còn ý nghĩa” trong hoàn cảnh này. Ông ủng hộ Ukraina gia nhập NATO, nhưng vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào đối thoại với Nga.

Ông Kissinger, năm nay 99 tuổi, từng là ngoại trưởng Mỹ (1973-1977) và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ (1969-1975).

Theo RT, tại hội nghị WEF ở Davos vào tháng 5.2022, ông ủng hộ việc chấm dứt khẩn cấp các hành động thù địch ở Ukraina, vì sợ rằng Nga sẽ “bị đẩy vào một liên minh lâu dài với Trung Quốc”. Tuy nhiên, vì gợi ý rằng Mátxcơva có thể giữ Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014 - ông đã bị đưa vào danh sách “Những người kiến tạo hòa bình” trong số những kẻ thù của Ukraina.

Hôm 17.1, ông Kissinger mở đầu bài phát biểu của mình bằng “sự ngưỡng mộ” đối với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và “hành động anh hùng của người dân Ukraina”, trước khi đề xuất một thỏa thuận hòa bình về cơ bản giống như năm ngoái.

Cựu Ngoại trưởng Kissinger nói: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraina trở thành thành viên của NATO, bởi vì tôi sợ nó sẽ bắt đầu chính xác quá trình mà chúng ta đã chứng kiến. Bây giờ khi tình hình đã đến mức này, ý tưởng về một Ukraina trung lập không còn ý nghĩa nữa".

Theo quan điểm của ông Kissinger, cách để ngăn chặn xung đột leo thang là làm chính xác những gì Ukraina, Mỹ và các đồng minh đã làm cho đến nay: Yêu cầu Nga rút quân, đồng thời viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraina, duy trì các biện pháp trừng phạt và các áp lực khác với Mátxcơva.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tiếp tục nhấn mạnh vào đối thoại với Nga. Ảnh: AFP

Nhà ngoại giao kỳ cựu lập luận rằng Nga nên được "mở cửa" để tái gia nhập phương Tây, "nếu đáp ứng các điều kiện cần thiết để tham gia với tư cách là thành viên trong các quá trình này của Châu Âu". 

Ông nói, điều quan trọng là phải tránh nhận thức rằng cuộc xung đột trở thành “chống lại chính nước Nga”. Điều này có thể khiến người Nga đánh giá lại cả “sức hút văn hóa của Châu Âu và nỗi sợ bị Châu Âu thống trị” trong lịch sử.

Cựu Ngoại trưởng Kissinger cũng cho rằng, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo phải là người bảo đảm cho giải pháp hòa bình cuối cùng “dưới bất kỳ hình thức nào mà NATO có thể phát triển”.

Trong khi đề xuất của ông Kissinger ủng hộ nhận thức của phương Tây rằng Ukraina đang chiến thắng trên chiến trường với sự trợ giúp của vũ khí NATO, thì cựu Ngoại trưởng Mỹ đã phớt lờ vai trò của cả Kiev và Mátxcơva. 

Tổng thống Ukraina Zelensky dứt khoát từ chối mọi hình thức ngừng bắn trừ khi Nga đầu hàng, trong khi Điện Kremlin khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải thừa nhận Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia là một phần của Nga - còn Crimea hoàn toàn không được bàn đến.

Cũng không rõ liệu Nga có chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào do phương Tây làm trung gian hay không, sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận rằng thoả thuận đình chiến Minsk năm 2014 không được dàn xếp một cách thiện chí, mà nhằm mục đích “câu giờ cho Ukraina” để chuẩn bị chiến tranh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn