MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kazakhstan đang yêu cầu các ông lớn dầu mỏ quốc tế bồi thường 150 tỉ USD. Ảnh minh họa: Xinhua

Ông lớn dầu mỏ Trung Á tăng yêu cầu bồi thường lên 150 tỉ USD

Thanh Hà LDO | 18/04/2024 09:34

Kazakhstan yêu cầu các công ty dầu mỏ quốc tế phát triển mỏ dầu Kashagan bồi thường hơn 150 tỉ USD.

Chính phủ Kazakhstan đệ trình vụ kiện trọng tài 15 tỉ USD về chi phí sản xuất tại mỏ dầu khí khổng lồ Kashagan, yêu cầu bồi thường cho những chậm trễ, trở ngại kỹ thuật và chi phí vượt mức từ khi quá trình phát triển mỏ này bắt đầu hơn 20 năm trước.

Tuy nhiên, Bloomberg thông tin ngày 17.4, ông lớn dầu mỏ Trung Á yêu cầu các công ty dầu mỏ quốc tế phát triển mỏ dầu Kashagan bồi thường lên tới hơn 150 tỉ USD cho tổn thất về doanh thu cũng như tranh chấp về chi phí.

Nguồn tin cho biết, yêu cầu bồi thường bổ sung bao gồm 138 tỉ USD cho doanh thu bị mất, phản ánh cách tính giá trị của lượng sản xuất dầu mỏ đã cam kết với Chính phủ Kazakhstan nhưng không được các nhà phát triển mỏ thực hiện.

Ngoài ra, còn có các yêu cầu bồi thường khác liên quan đến vấn đề tham nhũng trong các hợp đồng phát triển Kashagan.

Bloomberg chỉ ra, trong các tranh chấp trước đây với các công ty dầu mỏ lớn, Chính phủ Kazakhstan đã thể hiện sự linh hoạt nhất định, với những vụ việc được giải quyết bằng mức bồi thường ít hơn so với yêu cầu ban đầu.

Năm ngoái, Kazakhstan nói rằng có thể xem xét giải quyết tranh chấp với các đối tác Kashagan thông qua đàm phán trực tiếp.

Các công ty Eni, Shell, Exxon Mobil và TotalEnergies đã đầu tư khoảng 55 tỉ USD để phát triển Kashagan. Mỏ này hiện chỉ sản xuất chưa tới 400.000 thùng dầu mỗi ngày.

Là một trong những phát hiện lớn nhất trong nhiều thập kỷ nhưng mỏ Kashagan cũng có nhiều thách thức kỹ thuật, từ vùng biển bị đóng băng gần nửa năm cho đến vỉa chứa dầu mỏ có nồng độ khí độc cao.

Mỏ Kashagan bơm dầu lần đầu vào tháng 9.2013 - muộn hơn 8 năm so với mục tiêu và vượt 45 tỉ USD so với ngân sách ban đầu - nhưng phải đóng cửa một tháng sau đó khi phát hiện rò rỉ trong đường ống.

Hoạt động sản xuất được nối lại năm 2016 và mỏ dần dần đạt sản lượng 270.000 thùng/ngày năm 2017.

Eni - nhà phát triển chính trong giai đoạn đầu của dự án - ước tính, mỏ Kashagan sẽ đạt đến trạng thái ổn định về sản lượng ít nhất 1,5 triệu thùng dầu/ngày.

North Caspian Operating - liên doanh điều hành dự án mỏ Kashagan - cho biết, có rất nhiều tranh chấp liên quan đến việc áp dụng một số điều khoản của thỏa thuận chia sẻ sản xuất mỏ Kashagan phải được phân xử bằng trọng tài.

Bộ Năng lượng Kazakhstan không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về tranh chấp, nhấn mạnh “đây là tranh chấp thương mại thuần túy mà các bên dự định giải quyết thông qua thủ tục trọng tài”.

“Eni xác nhận rằng thủ tục trọng tài đã được chính quyền Kazakhstan triển khai" - công ty dầu mỏ Italy nêu trong thông cáo, nhưng từ chối bình luận về các điều khoản cụ thể của tiến trình.

Trước đợt tăng yêu cầu bồi thường mới nhất, Kazakhstan cáo buộc các đối tác của Kashagan lẽ ra không nên được khấu trừ 13 tỉ USD chi phí từ doanh thu mà chính phủ nhận được. Nguồn tin cho biết, số tiền đó hiện đã tăng lên 15 tỉ USD.

Các công ty cũng đang phải đối mặt với khoản phạt riêng 5,1 tỉ USD vì bị cáo buộc vi phạm các quy định về môi trường, sau khi tòa phúc thẩm của Kazakhstan ra phán quyết ủng hộ yêu cầu của chính phủ về việc lưu trữ lưu huỳnh.

Nhà điều hành mỏ phủ nhận có sai phạm trong các vụ việc liên quan đến khiếu nại về môi trường và chi phí.

Trước đây, Kazakhstan đã thành công trong việc kiện các công ty quốc tế lớn tại 2 dự án khai thác dầu lớn nhất đất nước.

Năm 2020, Shell, Eni và các đối tác trong liên doanh dầu khí Karachaganak đã trả 1,3 tỉ USD để giải quyết tranh chấp kéo dài với nhà nước về việc chia sẻ doanh thu.

Năm 2008, các đối tác của Kashagan đồng ý trả 5 tỉ USD cho Kazakhstan và bán phần cổ phần lớn hơn trong liên doanh cho KazMunayGas do nhà nước điều hành để giải quyết tranh chấp về chậm trễ và chi phí vượt mức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn