MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik

Ông Medvedev đề xuất cách kết thúc xung đột Ukraina trong vài ngày

Song Minh LDO | 06/07/2023 07:48

Ông Dmitry Medvedev tuyên bố, xung đột Nga - Ukraina sẽ nhanh chóng chấm dứt nếu Mỹ và các đồng minh ngừng gửi vũ khí cho Kiev.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Mátxcơva và Kiev đã kéo dài quá lâu do các đợt viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraina - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói với TASS ngày 5.7.

“Nếu NATO, chủ yếu là Mỹ và các nước đồng minh, ngừng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraina, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ kết thúc chỉ sau vài tháng” - ông Medvedev nói. Tuy nhiên, nó vẫn có thể kết thúc “trong vài ngày” nếu Washington và các đồng minh ngừng giao vũ khí - ông nói thêm.

Ông Medvedev lưu ý, bất kỳ cuộc chiến tranh ở bất kể quy mô nào có thể kết thúc “rất nhanh chóng… nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết hoặc nếu một bên làm điều mà người Mỹ đã làm vào năm 1945 là sử dụng vũ khí hạt nhân và ném bom các thành phố của Nhật Bản”.

Các cuộc tấn công của Mỹ đã ngăn chặn các hành động thù địch vào thời điểm đó, nhưng “cái giá phải trả là 300.000 sinh mạng dân thường” - ông Medvedev nhấn mạnh.

Các vụ ném bom hạt nhân của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki đã cướp đi sinh mạng của 80.000 người mỗi vụ. Hậu quả lâu dài của các cuộc tấn công - bao gồm ô nhiễm phóng xạ - có thể đã đưa số nạn nhân ước tính lên tới 166.000 người ở Hiroshima và 140.000 người ở Nagasaki.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng cảnh báo rằng, Nga sẽ ngăn Ukraina gia nhập NATO, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Mátxcơva buộc phải tham gia vào một cuộc xung đột vĩnh viễn.

Nga đã yêu cầu rằng các mối quan tâm về an ninh của mình được tôn trọng khi nói đến việc mở rộng NATO, rằng sự tồn tại của Nga đang bị đe dọa, và rằng Mátxcơva sẽ không ngần ngại ngăn chặn mối đe dọa đó bằng cách này hay cách khác - cựu Tổng thống Nga lưu ý.

Ông Medvedev cũng lên tiếng phản đối việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan, cảnh báo điều này có thể gây ra xung đột hạt nhân.

Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã kêu gọi NATO đưa Warsaw vào Chương trình chia sẻ hạt nhân của khối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn