MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ông Tập Cận Bình: Mỹ-Trung nên chung sống hòa bình

Song Minh LDO | 16/11/2021 10:38
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung (sáng 16.11 theo giờ Việt Nam tức tối 15.11 theo giờ Mỹ), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Mỹ-Trung nên chung sống hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.

Gặp lại "bạn cũ"

SCMP đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trong phát biểu khai mạc rằng "Trung Quốc và Mỹ nên tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình và theo đuổi hợp tác cùng có lợi".

Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận khoảng vài giờ trong cuộc trò chuyện thứ ba trong năm nay - một cuộc họp mà ít người mong đợi sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào.

Phát biểu trước báo giới tại Washington, Tổng thống Joe Biden cho biết, cả ông và ông Tập Cận Bình đều có trách nhiệm đảm bảo rằng các mối quan hệ không trở thành xung đột công khai.

Đổi lại, ông Tập Cận Bình cho hay, ông rất vui khi gặp lại “người bạn cũ” của mình là ông Biden.

“Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường giao tiếp và hợp tác. Mỗi nước chúng ta nên điều hành tốt các công việc đối nội của mình, đồng thời chia sẻ trách nhiệm toàn cầu và cùng nhau thực hiện lời kêu gọi cao cả là hòa bình và phát triển thế giới" - Chủ tịch Trung Quốc nói.

Tổng thống Joe Biden cho biết, ông mong đợi một "cuộc thảo luận thẳng thắn" bao gồm cách đảm bảo "sự cạnh tranh đơn giản, thẳng thắn" giữa hai nước.

Ông Joe Biden nói: “Chúng tôi cần thiết lập một số tiêu chuẩn chung trước khi nhấn mạnh sự hợp tác, đặc biệt là về các vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu. Chúng tôi có trách nhiệm với thế giới cũng như với người dân của chúng tôi".

Tổng thống Mỹ cho hay, chương trình nghị sự của ông cho cuộc họp bao gồm nhân quyền, kinh tế và đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và công bằng. Ông Biden nói rằng, hai nhà lãnh đạo đã “luôn trao đổi với nhau một cách rất trung thực và thẳng thắn”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nói trước cuộc họp rằng, trong tình hình hiện tại, sự hiểu biết nhiều hơn về ranh giới đỏ của nhau sẽ tạo nên một cuộc thảo luận thành công.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã đưa ra một tuyên bố không lâu trước khi bắt đầu hội nghị trực tuyến rằng, hội nghị sẽ “có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với quan hệ song phương mà còn đối với quan hệ quốc tế”.

"Trung Quốc hy vọng phía Mỹ sẽ làm việc với Trung Quốc để tìm hiểu cách thức hai nước chúng ta hòa hợp trong kỷ nguyên mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình, tăng cường đối thoại và hợp tác, quản lý hiệu quả các khác biệt và xử lý đúng đắn các vấn đề nhạy cảm, nhằm hướng quan hệ song phương trở lại đúng hướng và phát triển ổn định".

Cơ hội giảm căng thẳng

Theo nhận định của các nhà quan sát chính sách đối ngoại, thượng đỉnh Mỹ-Trung là cơ hội để kiềm chế căng thẳng của hai siêu cường không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc của Eurasia Group, nói với The Straits Times: “Hội nghị sẽ cố gắng tạo cơ sở cho mối quan hệ Mỹ-Trung và báo hiệu rằng hai chính phủ cam kết đối thoại cấp cao và thúc đẩy hợp tác ở mức độ hạn chế về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Kỳ vọng sẽ thấp đối với các kết quả cụ thể”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Paul Haenle và nhà phân tích nghiên cứu Nathaniel Sher của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, quan hệ ngoại giao cấp cao giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình là đặc biệt quan trọng vì các cuộc đối thoại cấp trung và cấp thấp chỉ đạt được rất ít tiến triển cho đến nay. "Trao đổi giữa hai nguyên thủ quốc gia sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề trong mối quan hệ Mỹ-Trung, nhưng có thể giúp ổn định quan hệ và ngăn chặn các kết quả không mong muốn" - hai chuyên gia cho hay.

Nhiều học giả và chuyên gia cho rằng, để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung, hai bên cần nỗ lực thực sự hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, y tế gắn với đại dịch COVID-19, không phổ biến vũ khí hạt nhân và các vấn đề xuyên quốc gia khác. Thỏa thuận về hợp tác chống biến đổi khí hậu là minh chứng cho điều này.

"Lần đầu tiên, lãnh đạo Mỹ-Trung đã có một bước đi tích cực là đạt được thỏa thuận ở Glasgow để hợp tác về biến đổi khí hậu" - Giáo sư Lampton của Đại học Johns Hopkins nói, đề cập đến cam kết của hai siêu cường hôm 10.11 để cắt giảm phát thải khí mêtan và than.

Ngoài ra, cách thức hiệu quả nhất trong ngắn hạn là việc hai nhà lãnh đạo cam kết thiết lập mô thức xử lý điểm nghẽn trong quan hệ song phương. Thay vì dồn nỗ lực cho danh sách hợp tác lớn, hai nước có thể khởi đầu bằng việc tìm kiếm cách tiếp cận cơ bản hơn, hướng đến xử lý một vài điểm trong nhiều bất đồng còn tồn tại. Từ đó, hai bên có thể bắt đầu xử lý những vấn đề có tính cấu trúc, phức tạp hơn như mất cân bằng kinh tế, thương mại, an ninh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn