MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa đạn đạo chiến lược di động tầm trung Pershing 1B của Mỹ. Ảnh: Wiki

Ông Trump: Mỹ thừa tiền tăng cường hạt nhân đến khi Nga-Trung "giác ngộ"

Khánh Minh LDO | 23/10/2018 10:39
Tổng thống Donald Trump dọa nâng cấp kho vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc quay lại lối suy nghĩ hành động hợp lý.

Ông Donald Trump cho biết, những lời lẽ của ông hướng trực tiếp đến Mátxcơva và Bắc Kinh khi Mỹ chuẩn bị đơn phương rời khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung INF. Tổng thống Mỹ ngụ ý Trung Quốc nên là một phần của bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới nào.

"Nga không tôn trọng hiệp ước, cả về tinh thần và thực tế" - RT dẫn lời ông Donald Trump phát biểu với phóng viên bên ngoài Nhà Trắng hôm 22.10, trước khi đi vận động ở Texas. "Cho đến khi họ quay lại lối nghĩ đúng đắn, chúng tôi sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình" - ông Donald Trump nói.

"Khi nào họ làm được như vậy, chúng tôi sẽ dừng lại. Không chỉ dừng lại, chúng tôi sẽ cắt giảm, đó là điều mà tôi muốn làm" - ông Donald Trump nói.

Khi được hỏi liệu đây có phải là lời đe dọa hay không, ông Donald Trump khẳng định có. "Đó là lời đe dọa với bất cứ ai, kể cả Trung Quốc, kể cả Nga".

"Mỹ có nhiều tiền hơn bất cứ ai" - ông Donald Trump bổ sung, ám chỉ rằng một cuộc chạy đua vũ trang không thể là gánh nặng với Mỹ. "Không thể chơi trò đó với tôi".

Hiệp ước INF được Tổng thống Ronald Reagan ký với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1987 và có hiệu lực từ tháng 6.1998. INF được xem là một thành tựu lớn của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giúp giải tỏa lo ngại hạt nhân ở Châu Âu.

Nếu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF, thì Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - hết hạn vào năm 2021 - cũng có nguy cơ bị Mỹ xem xét lại.

Trong những năm qua, Mátxcơva và Washington nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Mỹ cáo buộc Nga phát triển tên lửa bị cấm theo INF, còn Nga chỉ ra rằng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ triển khai ở Đông Âu thực chất có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình tầm trung. Những hệ thống này được triển khai sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002.

Trong cuộc họp báo ngẫu hứng, Tổng thống Donald Trump ngụ ý rằng Trung Quốc nên là một phần của bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí mới nào. Ông Donald Trump không nói rõ chính quyền Washington có ý định đạt được mục tiêu này như thế nào, do mối quan hệ tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại và căng thẳng quân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn