MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Ông Trump nêu quan điểm trái ngược về vụ tấn công mạng vào chính phủ Mỹ

Phương Linh LDO | 20/12/2020 07:16
Ông Trump đã hạ thấp tính nghiêm trọng của cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ Mỹ, trái ngược với quan điểm từ chính quyền của ông.

AFP dẫn lời Tổng thống Donald Trump trong bình luận công khai đầu tiên của ông trên Twitter hôm 19.12 về cuộc tấn công mạng vào hệ thống cơ quan chính phủ Mỹ, cho biết: "Tôi đã được thông báo đầy đủ và mọi thứ đang được kiểm soát tốt".

Phản ứng của Tổng thống Donald Trump được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn rằng cuộc tấn mạng - mà các chuyên gia an ninh mạng cho rằng có thể tác động sâu rộng và cần vài tháng để làm sáng tỏ - ''khá rõ ràng'' chính là hành động của Nga.

Phát biểu trên chương trình phát thanh Mark Levin Show hôm 18.12, ông Pompeo nói: "Đã có một nỗ lực đáng kể trong việc sử dụng một phần mềm của bên thứ ba nhằm cố gắng nhúng mã vào trong các hệ thống của chính phủ Mỹ".

Phần mềm được Ngoại trưởng đề cập là phần mềm bảo mật được sử dụng rộng rãi của công ty SolarWinds có trụ sở tại tiểu bang Texas, Mỹ.

"Đây là một nỗ lực rất đáng gờm... và tôi nghĩ trong trường hợp này chúng ta hiện có thể nói khá rõ ràng rằng chính người Nga đã tham gia vào hoạt động này".

Về phần mình, Nga phủ nhận liên quan đến vụ tấn công.

Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) vẫn chưa xác định được nguồn gốc của vụ tấn công, cho biết hôm 17.12 rằng, cuộc tấn công gây ra "rủi ro nghiêm trọng" và việc ngăn chặn sẽ "rất phức tạp."

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden bày tỏ "quan ngại lớn" về vụ xâm phạm. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng lên tiếng đổ lỗi cho Nga về vụ việc.

Trong số các cơ quan chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng, theo báo cáo từ truyền thông, có Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ An ninh Nội địa và Viện Y tế Quốc gia, cùng với Bộ Năng lượng và Cục An ninh Hạt nhân Quốc gia - quản lý kho dự trữ vũ khí hạt nhân.

Microsoft ngày 17.12 thông báo cho hơn 40 khách hàng bị tấn công bởi phần mềm độc hại, mà các chuyên gia bảo mật cho rằng có thể cho phép những kẻ tấn công truy cập vào mạng lưới các hệ thống chủ chốt của chính phủ, lưới điện và các tiện ích khác.

Trong một bài đăng trên blog, chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết, khoảng 80% các khách hàng bị ảnh hưởng là ở Mỹ. Các nạn nhân khác được phát hiện ở Bỉ, Anh, Canada, Israel, Mexico, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Ông Smith cho hay: “Chắc chắn rằng số lượng và vị trí của các nạn nhân sẽ tiếp tục tăng lên''.

Hôm 19.12, NATO cho biết họ đang kiểm tra hệ thống máy tính của mình nhưng không tìm thấy bằng chứng về việc bị xâm nhập.

Trong cùng ngày 19.12, Ủy ban Châu Âu cũng cho biết họ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu xâm nhập hệ thống máy tính nào nhưng đang "phân tích tình hình".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn