MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm báo chí tại trụ sở của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo. Ảnh: Xinhua

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Thanh Hà LDO | 04/04/2023 07:40

Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC+ khác tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Động thái bất ngờ ngày 2.4 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng Nga và các đồng minh khác khiến giá dầu tăng ngay.

Cam kết mới nhất nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày theo tính toán của Reuters, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia cho biết, sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông báo, việc cắt giảm tự nguyện là "một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ ổn định thị trường dầu mỏ”. 

Amrita Sen - nhà sáng lập và giám đốc của Energy Aspects - cho hay: “OPEC đang thực hiện các bước phủ đầu trong trường hợp nhu cầu có thể giảm". 

Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11.2022 cho đến cuối năm 2023 - động thái khiến Washington tức giận vì nguồn cung thắt chặt hơn làm tăng giá dầu. Mỹ cho rằng, thế giới cần giá dầu thấp hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ngăn Nga có thêm doanh thu trong bối cảnh xung đột ở Ukraina.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi động thái được các nhà sản xuất OPEC+ công bố ngày 2.4 là không sáng suốt.

Việc cắt giảm tự nguyện của OPEC+ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm nay. Iraq sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày, theo thông cáo chính thức. UAE sẽ cắt giảm sản lượng 144.000 thùng/ngày, Kuwait tuyên bố cắt giảm 128.000 thùng/ngày trong khi Oman cắt giảm 40.000 thùng/ngày và Algeria sẽ cắt giảm sản lượng 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan cũng cắt giảm sản lượng ở mức 78.000 thùng/ngày.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông tin ngày 2.4, Mátxcơva sẽ mở rộng mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Trước đó, Nga đã thông báo cắt giảm sản lượng ở mức này từ tháng 2 sau khi phương Tây áp giá trần với dầu của Nga. 

Một nguồn tin của OPEC+ tiết lộ với Reuters, Gabon sẽ tự nguyện cắt giảm 8.000 thùng/ngày. Không phải tất cả các thành viên OPEC+ đều tham gia động thái này vì một số đã có sản lượng thấp hơn nhiều so với mức thỏa thuận do thiếu năng lực sản xuất.

Cũng theo Reuters, động thái ngày 2.4 cho thấy, liên minh của Nga với các thành viên OPEC khác vẫn hợp tác mạnh mẽ.

Thông báo cắt giảm sản lượng của OPEC+ diễn ra một ngày trước cuộc họp trực tuyến của hội đồng cấp bộ trưởng OPEC+ và dự kiến áp dụng cùng mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày đang triển khai đến cuối năm 2023.

Giá dầu tháng trước đã giảm xuống 70 USD/thùng, thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu. Người đứng đầu Công ty đầu tư Pickering Energy Partners chia sẻ ngày 2.4, mức giảm mới nhất có thể nâng giá dầu lên 10 USD/thùng, trong khi nhà môi giới dầu mỏ PVM cũng dự kiến tương tự. 

Giá dầu ngày 3.4 tăng vọt khi các nhà sản xuất công bố cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng. AFP cho hay, quyết định của nhóm OPEC+ làm dấy lên lo ngại việc giá tăng đột biến có thể gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy lãi suất cao hơn.

“Việc cắt giảm sản lượng diễn ra vào thời điểm môi trường nhu cầu toàn cầu không chắc chắn cho thấy rõ ràng OPEC không hài lòng với diễn biến giá dầu đã giảm trong những tháng gần đây” - chuyên gia Tapas Strickland của Ngân hàng Quốc gia Australia lưu ý.

Các nhà phân tích nhận định, quyết định của OPEC+ có thể giáng đòn mạnh vào thị trường vốn vừa phục hồi trong những tuần gần đây bởi lạc quan rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chấm dứt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ là lời nhắc nhở khác rằng "thần đèn" lạm phát vẫn chưa quay trở lại trong đèn" - ông Lazard nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn