MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

OPEC+ hành động nhanh

Ngạc Ngư LDO | 06/06/2022 07:04

Tại cuộc gặp trực tuyến vừa rồi, nhóm OPEC+, bao gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và 10 nước xuất khẩu dầu lửa khác nữa trên thế giới, đã quyết định tăng cho tháng 7 và tháng 8 tới mức độ khai thác và xuất khẩu dầu lửa hằng ngày cho cả nhóm.

Cụ thể là tăng từ mức độ 432 thùng hằng ngày lên 648 thùng. Như vậy, nhóm này quyết định tăng mức độ khai thác và xuất khẩu dầu lửa hằng ngày nhanh chóng hơn dự định được thông qua ở lần gặp trước đấy vào hồi cuối năm ngoái. Nếu theo dự định ấy thì việc tăng mức độ này sớm nhất cũng phải đến tháng Chín tới mới được quyết định.

OPEC+ biện luận cho quyết định mới nói trên bằng nhận định cho rằng, nhu cầu tiêu dùng dầu lửa của các nền kinh tế và của người dân ở mọi nơi trên thế giới tăng cao sau khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi rõ rệt ở đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sự gia tăng này của nhu cầu tiêu dùng dầu lửa được phản ánh ở sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và ở mặt bằng giá cả nhiên liệu cao tại các nơi trên thế giới. Chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina cũng tác động khiến giá dầu lửa trên thị trường thế giới gia tăng.

Quyết định mới đây nhất của EU tiến hành cấm vận Nga xuất khẩu dầu lửa vào thị trường EU - trước mắt đối với dầu lửa của Nga được vận tải bằng đường biển xuất khẩu vào EU - cũng góp phần thúc đẩy xu hướng diễn biến nói trên của giá dầu lửa trên thị trường thế giới.

Nga là một trong ba nước xuất khẩu nhiều dầu lửa nhất thế giới và là thành viên của nhóm OPEC+. Vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, giá dầu lửa đã tăng lên tới 123 USD/thùng, cao nhất kể từ hai năm nay.

Trong những ngày trước khi OPEC+ tiến hành cuộc trao đổi trực tuyến nói trên đã có những đồn thổi nhất định về chủ ý của thành viên này hay thành viên khác của nhóm về khai trừ Nga ra khỏi nhóm để có thể tăng xuất khẩu dầu lửa được nhiều hơn và cũng rất có thể còn để tranh thủ Mỹ thông qua cách gây khó dễ thêm cho Nga. Tuy nhiên, việc này đã không được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp.

OPEC+ hành động nhanh và tỏ ra phản ứng linh hoạt với diễn biến tình hình mới về chính trị an ninh, kinh tế và về giá dầu lửa trên thế giới. Nhưng mức độ tăng khối lượng dầu lửa khai thác và xuất khẩu hằng ngày lại chỉ thấp chứ không cao, thời gian thực hiện việc gia tăng bị hạn chế. Qua đó có thể thấy OPEC+ rất thận trọng và tạo thay đổi từ từ chứ không gây đột biến.

Rất có thể triết lý hành động của OPEC+ trong bối cảnh tình hình hiện tại là "Nếu không chắc chắn thành công thì phải chắc chắn không bị thất bại" với việc tung thêm dầu lửa hằng ngày ra thị trường thế giới.

Ở đây thấy phảng phất mưu tính của Saudi Arabia - vương triều xuất khẩu nhiều dầu lửa nhất thế giới và đóng vai trò dẫn dắt OPEC cũng như OPEC+, là tranh thủ Mỹ trong bối cảnh tình hình Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc tới thăm Saudi Arabia nhân chuyến công du nước ngoài sắp tới.

Ông Biden đã nhiều lần hối thúc Saudi Arabia tăng khối lượng dầu lửa khai thác và xuất  khẩu hằng ngày để giúp giảm giá dầu lửa trên thị trường thế giới - cũng giúp Mỹ bớt khó - và đồng thời để gây khó thêm cho Nga liên quan đến chiến sự ở Ukraina.

OPEC+ không quyết định loại Nga ra khỏi nhóm vì không còn sự tham gia của Nga thì OPEC+ sẽ tan rã. OPEC+ bị tan rã thì OPEC cũng khó có thể duy trì được vai trò và ảnh hưởng hiện vẫn còn có được trên thế giới.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, Nga là một cường quốc về dầu lửa mà OPEC phải hợp tác chứ không thể bất chấp, càng không thể chống, nếu OPEC muốn vẫn có được vai trò và ảnh hưởng quyết định trên lĩnh vực dầu lửa.

Cho nên, chiến sự ở Ukraina dẫu còn dai dẳng bao lâu nữa và rồi cuối cùng kết cục như thế nào thì OPEC+ cũng không thể và không dám loại Nga ra khỏi nhóm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn