MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse đang phải gắng gượng để có thể tiếp tục tồn tại. Ảnh: Xinhua

Phá sản ngân hàng: Chuyện nay trong ám ảnh xưa

Ngạc Ngư LDO | 20/03/2023 06:21
Các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ mới đây gợi lại những ám ảnh từ vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng ngân hàng, tài chính tiếp theo.

Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng lớn thứ 16 ở nước Mỹ, chuyên cung cấp tín dụng cho các hãng công nghệ cao và cho khởi nghiệp trên lĩnh vực cao. Nó đồng thời thu hút vốn nhàn rỗi và kinh doanh từ giới công nghệ cao ở nước Mỹ. Sự phá sản của SVB được tiếp nối bằng cuộc khủng hoảng ở một số ngân hàng khác của nước Mỹ như ngân hàng Signature Bank, First Republic Bank, Western Alliance ở nước Mỹ.

Vào cùng thời gian ấy, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse cũng phải gắng gượng để có thể tiếp tục tồn tại. Trên thế giới ngay lập tức sống động trở lại những ám ảnh từ vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng ngân hàng, tài chính tiếp theo đấy.

Logic quan ngại ở đây là sự phá sản của một hay một vài ngân hàng lớn rất dễ kích hoạt những phản ứng dây chuyền ở nhiều tầng nấc khác nhau trong hệ thống tài chính và ngân hàng của quốc gia cũng như thế giới. Chỉ cần khách hàng lo ngại đến mức ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng thì ngân hàng sẽ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng về khả năng chi trả.

Nếu không được nhà nước hoặc liên kết các nhà đầu tư, tài chính, ngân hàng tư nhân tung tiền ra giải cứu thì ngân hàng liên quan bị phá sản không còn có thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là ngân hàng ngấp nghé bờ vực bị phá sản có đáng được giải cứu hay không, có cần phải được giải cứu hay không và ai bỏ tiền của ra để giải cứu.

Trong trường hợp SVB hiện tại, Chính phủ Mỹ đứng ra giải cứu SVB và một số ngân hàng khác. Riêng đối với ngân hàng First Republic, một nhóm ngân hàng tư nhân đã tụ tập nhau lại để góp tiền của cùng giải cứu. Cách giải cứu về cơ bản không khác gì nhau: Ngân hàng được cung cấp nguồn tiền để thực hiện đầy đủ mọi cam kết với khách hàng, qua đó trấn an tâm lý khách hàng, củng cố lòng tin của khách hàng, dư luận và người dân vào sự an toàn của tiền gửi và sự tin tưởng hệ thống ngân hàng. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cũng làm như vậy đối với ngân hàng Credit Suisse.

Hồi năm 2008, ngân hàng Lehman Brothers bị sụp đổ, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng bởi tác động của nhiều nguyên nhân như đầu cơ quá mạo hiểm, kiểm soát ngân hàng lòng lẻo, đánh giá mức độ tín nhiệm thiếu chính xác đối với các ngân hàng. 

Từ đó, hệ thống ngân hàng và tài chính của thế giới đã được cải tổ và thay đổi rất cơ bản để không lặp lại những vụ việc như Lehman Brothers và để ngăn ngừa khủng hoảng ngân hàng.

Bây giờ, các ngân hàng như SVB, Signature Bank hay First Republic Bank ở Mỹ bị khủng hoảng không phải do đầu tư mạo hiểm mà do kinh doanh trái phiếu nhà nước thua lỗ, khi lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuyển từ thấp như gần bằng 0 trong suốt thời gian dài sang mặt bằng lãi suất cơ bản cao hơn sau nhiều lần được FED gia tăng. 

Chuyện nay dẫn đến sự liên hệ ngay tới những ám ảnh xưa. Nhưng vì thời nay không giống như thời xưa và tất cả đều đã tự rút ra hoặc cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết từ vụ việc Lehman Brothers và cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi năm 2008, nên tác động và hệ lụy rất khác và không tai hại, không nguy hại như chuyện khi xưa.

Trong trường hợp này, hệ thống ngân hàng không thể tránh khỏi bị vạ lây, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng không bị nguy hiểm. Dù vậy, sự phá sản của SVB và một số ngân hàng khác ở Mỹ hay ở các nơi khác trên thế giới cho thấy hệ thống ngân hàng và tài chính của quốc gia cũng như của thế giới vẫn dễ gặp nguy hiểm và rủi ro như thế nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn