MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội Phần Lan bỏ phiếu thông qua dự luật chấp nhận các điều khoản của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1.3 với 184 phiếu thuận, 7 phiếu chống, 1 phiếu trắng. Ảnh: Quốc hội Phần Lan

Phần Lan tiến thêm một bước trong quá trình gia nhập NATO

Thanh Hà LDO | 03/03/2023 09:35

9 tháng sau khi Phần Lan nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nước láng giềng Thụy Điển, ngày 1.3, các nhà lập pháp ở Helsinki đã ủng hộ phê chuẩn gia nhập, tăng khả năng Phần Lan trở thành thành viên liên minh trước Thụy Điển.

Động thái quan trọng

Các nhà lập pháp Phần Lan thông qua luật khẳng định nước này chấp nhận các điều khoản của hiệp ước NATO với 184 phiếu ủng hộ, 7 phiếu chống, 1 phiếu trắng và 7 nghị sĩ không có mặt.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều từ bỏ chính sách không liên kết quân sự kéo dài hàng thập kỷ và đăng ký tham gia tổ chức phòng thủ xuyên Đại Tây Dương vào tháng 5 năm ngoái, sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra. Việc gia nhập NATO cần có sự phê chuẩn của 30 thành viên và 2 nước đã nhận được ủng hộ của 28 nước, trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Khác với Phần Lan, Thụy Điển có một số bất đồng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là các cuộc biểu tình được tổ chức ở Stockholm có hoạt động đốt kinh Qur'an trước đại sứ quán của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc Thụy Điển cung cấp nơi ẩn náu cho các thành viên của Đảng Lao động người Kurd (PKK) mà Ankara coi là khủng bố. Những điều này tạo ra trở ngại cho nỗ lực của Thụy Điển trong việc có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên NATO để chính thức gia nhập khối. Việc này cũng khiến cơ hội để Thụy Điển gia nhập NATO cùng lúc với Phần Lan bị ảnh hưởng. 

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin chia sẻ ngày 28.2: “Lý do chúng tôi nộp đơn xin gia nhập NATO rất đơn giản: Ranh giới NATO là ranh giới duy nhất mà Nga sẽ không vượt qua". Bà cũng tin tưởng vào khả năng trở thành thành viên của NATO bởi Phần Lan và Thụy Điển đều đáp ứng tất cả các tiêu chí trong chính sách mở cửa của NATO.

Việc thông qua dự luật ngày 1.3 không có nghĩa là Phần Lan sẽ tự động gia nhập NATO sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn, nhưng đưa ra thời hạn về thời gian nước này có thể đợi Thụy Điển. 

Theo AFP, quốc hội Phần Lan thúc đẩy dự luật này được thông qua sớm, trước cuộc tổng tuyển cử ngày 2.4 để tránh việc phê chuẩn diễn ra trước khi chính phủ mới được thành lập. 

Khả năng Phần Lan gia nhập một mình

Quốc hội Phần Lan bỏ phiếu ủng hộ gia nhập NATO trong bối cảnh dự kiến có được sự ủng hộ các nước thành viên của khối là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng khả năng quốc gia Bắc Âu này sẽ gia nhập liên minh trước nước láng giềng Thụy Điển. Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson lưu ý, việc Phần Lan gia nhập NATO một mình có thể làm phức tạp mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa các nước Bắc Âu. 

Theo Bloomberg, động thái của Quốc hội Phần Lan gây sức ép lên các nước còn lại trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary về việc có quyết định cho phép các nước Bắc Âu gia nhập liên minh hay không. 

Hungary bắt đầu tranh luận về việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO vào ngày 1.3, với việc phê chuẩn được ấn định từ ngày 6-9.3. Theo Reuters, Đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ ủng hộ phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền - đảng này cùng các đảng liên minh đang kiểm soát 2/3 số ghế trong quốc hội Hungary - thông tin ngày 1.3: "Chúng tôi sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO". Ngày 1.3, Tổng thống Katalin Novak và một quan chức Bộ Ngoại giao Hungary đều kêu gọi các nhà lập pháp phê chuẩn việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển "càng sớm càng tốt". Thổ Nhĩ Kỳ thông báo,  các cuộc đàm phán với Phần Lan và Thụy Điển sẽ nối lại vào ngày 9.3.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn