MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy điện hạt nhân Paks-2 của Hungary. Ảnh: Paks-2

Pháp hợp tác với Nga trong dự án hạt nhân ở Hungary

Thanh Hà LDO | 29/04/2023 15:49
Công ty Framatome của Pháp được cho là đã được phép cung cấp thiết bị cho một dự án hạt nhân do Rosatom của Nga dẫn đầu ở Hungary.

Bộ chuyển đổi năng lượng Pháp đồng ý cho Framatome - công ty con về năng lượng hạt nhân của Électricité de France (EDF) - tham gia xây dựng 2 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Paks-2 của Hungary cùng với gã khổng lồ hạt nhân Rosatom của Nga, Le Monde đưa tin. 

Theo bản tin, việc Framatome tham gia xây dựng dự án hạt nhân này đã được thảo luận rộng rãi vào tháng trước trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Vấn đề này đang gây tranh cãi do lệnh trừng phạt Nga của EU. Tuy nhiên, “cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của châu Âu không nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân Nga. Nếu các chủ thể Pháp muốn hợp tác với các chủ thể châu Âu khác, chúng tôi sẽ không ngăn cản họ làm như vậy" - một nguồn tin thân cận với Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng của Pháp Agnès Pannier-Runacher chia sẻ với tờ báo.

“Các công ty Pháp trong ngành công nghiệp hạt nhân hỗ trợ các đối tác châu Âu của chúng tôi, đặc biệt là Hungary, trong tất cả các cách tiếp cận và trong tất cả các dự án mà họ thực hiện trên lãnh thổ của họ miễn là tôn trọng nghiêm ngặt khuôn khổ trừng phạt quốc tế của châu Âu" - nguồn tin cho biết thêm.

Những nguồn tin của Le Monde lưu ý, Paris và Budapest chia sẻ “lòng tin mạnh mẽ vào năng lượng hạt nhân” bất chấp những bất đồng về các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của EU. 

Dự án Paks-2 khởi động năm 2014 theo thỏa thuận giữa Hungary và Nga. Ảnh: Paks-2

Tháng trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này có thể tăng cường vai trò của Framatome của Pháp trong dự án, sau những vấn đề với một nhà cung cấp khác - Siemens Energy của Đức. Hai công ty đã kí hợp đồng cung cấp hệ thống điều khiển các lò phản ứng mới tại Paks-2 trong liên doanh Pháp - Đức.

Tuy nhiên, sự tham gia của Siemens vào dự án đang bị Berlin ngăn cản bởi các biện pháp trừng phạt liên quan tới Ukraina và Đức đang trong quá trình từ bỏ năng lượng hạt nhân. Gần đây, Siemens Energy xác nhận đơn xin giấy phép xuất khẩu để cung cấp công nghệ và thiết bị cho Paks-2 vẫn đang chờ xử lý.

Dự án Paks-2 khởi động năm 2014 theo thỏa thuận giữa Hungary và Nga. Dự án dự kiến ​​xây 2 lò phản ứng hạt nhân của Rosatom và sẽ có một khoản vay của nhà nước Nga để tài trợ cho phần lớn dự án. Bốn lò phản ứng hiện có tại Paks được đưa vào hoạt động từ năm 1982 đến 1987 và sản xuất khoảng một nửa lượng điện của Hungary. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn