MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp Thủ tướng Kazakhstan Alihan Smaiylov tại Astana ngày 1.11.2023. Ảnh: AFP

Pháp nỗ lực tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á

Minh Đạt LDO | 02/11/2023 07:20

Tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Kazakhstan và Uzbekistan nhằm nâng cao vị thế của Pháp trong khu vực mà nhiều bên đang cạnh tranh ảnh hưởng.

Ông Emmanuel Macron đến Thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 1.11 để hội đàm với người đồng cấp Kassym-Jomart Tokayev sau đó ký kết các văn kiện hợp tác, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm và hàng không vũ trụ. Sau khi gặp gỡ sinh viên tại Kazakhstan, nhà lãnh đạo Pháp tới Samarkand ở nước láng giềng Uzbekistan.

Theo AFP, Pháp muốn đặt dấu ấn chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á. Công ty năng lượng EDF của Pháp đang nỗ lực xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Kazakhstan - dự án sẽ được quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra năm nay. Những khoáng sản quan trọng với công nghệ năng lượng sạch mà khu vực Trung Á có trữ lượng lớn cũng là nội dung được trao đổi trong các cuộc gặp.

Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 ở Kazakhstan, chủ yếu nhờ Tập đoàn năng lượng TotalEnergies tham gia vào dự án mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi Kashagan. Kim ngạch thương mại giữa Pháp và Kazakhstan đạt 5,3 tỉ euro (5,6 tỉ USD) trong năm 2022 và Kazakhstan cung cấp khoảng 40% nhu cầu uranium của Pháp.

Time dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho biết, một trong số những mục tiêu của chuyến công du Trung Á của Tổng thống Pháp Macron là tăng cường an ninh năng lượng của Pháp. Những nỗ lực này phù hợp trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga. Theo một quan chức Điện Elysee, tháp tùng Tổng thống Pháp trong chuyến công du lần này là phái đoàn gồm 15 lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, thực phẩm và khai thác mỏ.

Pháp vốn có một số khoản đầu tư lớn trong khu vực như công ty Orano SA của Pháp đang khai thác các mỏ uranium ở Kazakhstan thông qua liên doanh với Kazatomprom. Việc tìm kiếm uranium đang trở nên cấp bách hơn với Pháp sau cuộc đảo chính vào tháng 7 năm nay ở Niger. Niger vốn là quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu thô lớn thứ 2 cho EU trong năm 2022, sau Kazakhstan.

“Kazakhstan là chìa khóa cho an ninh năng lượng của Pháp. Chuyến thăm của ông Macron đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng Paris sẵn sàng tăng cường hợp tác" - Michael Levystone - nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp cho biết.

Theo số liệu từ Bộ Kinh tế Pháp, ngoài việc là nhà cung cấp uranium lớn nhất, năm ngoái, Kazakhstan còn là nguồn cung cấp dầu thô lớn thứ 2 cho Pháp.

Về phần mình, cả Kazakhstan và Uzbekistan - 2 quốc gia mà ông Macron tới thăm trong chuyến công du lần này cũng nhắm tới quan hệ kinh tế rộng mở và ngoại giao cân bằng hơn. Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ thăm Astana ngày 2.11.

Trung Á là khu vực có nguồn dự trữ dầu, khí đốt và khoáng sản khổng lồ. Tại đây, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, Mỹ đang tìm cách tăng cường hiện diện chính trị, trong khi Liên minh châu Âu đang nỗ lực kết nối khu vực này tạo thành hành lang thương mại và năng lượng chạy qua vùng Caucasus tới châu Âu.

Tuần trước, ngoại trưởng của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã lần đầu gặp ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU. Tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp các nhà lãnh đạo của những quốc gia Trung Á này bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cũng trong tháng 9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Trung Á tại Berlin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn