MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người biểu tình mang cờ của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp xuống đường ở Marseille. Ảnh: Reuters

Pháp quyết tâm cải cách Luật Lao động bất chấp sức ép biểu tình

VÂN ANH LDO | 14/09/2017 09:04

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 13.9 tuyên bố sẽ chú ý tới các cuộc biểu tình phản đối cải cách Luật Lao động, cam kết sẽ quyết tâm thúc đẩy luật mới và không nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình.

Thủ tướng Philippe cho biết, mặc dù người biểu tình đang giận dữ, nhưng cuộc bầu cử năm nay vẫn cho thấy sự sẵn sàng của các công dân Pháp ủng hộ kế hoạch cải cách Luật Lao động của Tổng thống Emmanuel Macron. “Tôi đang lắng nghe và tôi rất chú ý. Nhưng cho phép tôi tuyên bố rằng, người Pháp, khi họ bỏ phiếu, cũng có quyền được đối xử tôn trọng. Và kế hoạch cải cách mà chúng tôi đưa ra đã được Tổng thống Macron công bố vào thời điểm bầu cử” - Thủ tướng Philippe nói với kênh truyền hình France 2.

Biểu tình dữ dội

Từ ngày 12.9, hàng nghìn đoàn viên của các tổ chức công đoàn đã xuống đường biểu tình và đình công chống lại việc sửa đổi Luật Lao động, mặc dù con số này thấp hơn các cuộc biểu tình trong các năm trước. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, 223.000 người tham gia biểu tình trên cả nước, trong khi cuộc biểu tình tháng 3.2016 là 400.000 người. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Pháp (CGT) ước tính con số lần này là 400.000 người so với 1,2 triệu người năm 2016.

Cảnh sát chống bạo động đã đụng độ với nhóm thanh niên mang khăn trùm đầu tham gia biểu tình. Riêng tại Paris, cuộc biểu tình bắt đầu vào lúc 12 giờ GMT ngày 12.9. Đình công đã làm xáo trộn các chuyến xe lửa ngoại ô, 110 chuyến bay bị hủy. Giao thông trên một số đoạn đường dẫn tới thủ đô Paris bị cản trở.

Các nghiệp đoàn lao động, nghiệp đoàn sinh viên học sinh và phong trào thanh niên của nhiều đảng cánh tả kêu gọi tham gia biểu tình chống lại “sự xuống cấp lịch sử về mặt xã hội”. Đảng cực tả “Nước Pháp Bất khuất” cũng xuống đường ở Marseille để phản đối điều mà họ gọi là “cuộc đảo chính về xã hội”. Tuy nhiên, hai nghiệp đoàn lớn khác là CFDT - lớn nhất - và FO không tham gia biểu tình.

Trong chuyến đi tới Athens tuần trước, Tổng thống Macron nhấn mạnh với cộng đồng Pháp: “Tôi quyết tâm tuyệt đối, sẽ không nhượng bộ một chút nào trước những kẻ lười biếng, trơ trẽn hay cực đoan”. Theo Reuters, “những kẻ lười biếng” mà ông Macron nhắc tới là nhằm vào những người đã không thúc đẩy cải cách trong quá khứ, mặc dù các đối thủ chính trị và một số công đoàn coi đó là cuộc tấn công vào những người thất nghiệp. Các phe đối lập chính trị lập tức đả kích, thủ lĩnh Đảng Nước Pháp Bất khuất - ông Jean-Luc Mélenchon - kêu gọi “những kẻ lười biếng” xuống đường đông đảo.

Nguồn gốc “cơn thịnh nộ”

Sau nhiều tuần đàm phán, tháng trước, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra các biện pháp sửa đổi Luật Lao động, bao gồm đặt mức trần cho việc bồi thường người lao động bị sa thải, giảm thời gian kháng cáo, thương lượng không cần nghiệp đoàn đối với các công ty dưới 50 nhân viên, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu dụng gần một nửa số nhân viên ở Pháp. Mục tiêu của sự linh hoạt này là giảm thất nghiệp, và đáp ứng đòi hỏi lâu nay của đối tác Đức. Dự luật cải cách không nhắc đến 35 giờ làm việc mỗi tuần - cốt lõi của Luật Lao động, mặc dù nó mang lại sự linh hoạt hơn trong việc trả lương và thực hiện các điều kiện lao động. Chính phủ dự kiến thông qua các biện pháp mới vào ngày 22.9.

Tổng thống Macron đã muốn hiện đại hoá và tự do hoá thị trường lao động Pháp từ khi ông là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời chính quyền ông Francois Hollande. Cải cách Luật Lao động được cho là bước đi đầu tiên hướng tới giảm tỉ lệ thất nghiệp và xây dựng một thị trường Pháp hấp dẫn hơn, trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp quanh mức 10% trong nhiều năm (gấp đôi mức của Anh).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn