MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khoa học dân sự giúp tìm ra 2 hành tinh khí quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời. Ảnh minh họa: NASA

Phát hiện 2 hành tinh khí quay quanh ngôi sao giống Mặt trời

Thanh Hà LDO | 23/06/2021 12:00
Phát hiện 2 hành tinh khí quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời cách Trái đất 352 năm ánh sáng.

Hai ngoại hành tinh - hành tinh quay quanh ngôi sao bên ngoài Hệ Mặt trời - được gọi là hành tinh B và hành tinh C. Hai hành tinh này quay quanh HD 152843 - ngôi sao có khối lượng tương tự Mặt trời nhưng lớn hơn và sáng hơn 1,5 lần.

Phát hiện 2 ngoại hành tinh này được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Hành tinh B có kích thước tương tự sao Hải Vương và lớn hơn Trái đất khoảng 3,4 lần. Cứ 12 ngày Trái đất, hành tinh này hoàn thành quỹ đạo quay quanh ngôi sao chủ.

Hành tinh C ở xa ngôi sao chủ hơn, lớn hơn Trái đất 5,8 lần, khiến hành tinh C trở thành một hành tinh cỡ sao Thổ. Hành tinh C có quỹ đạo trong khoảng từ 19 đến 35 ngày Trái đất.

Các nhà khoa học dân sự giúp phát hiện những hành tinh này khi tham gia dự án Planet Hunters TESS. Dự án do NASA tài trợ có sự tham gia của hơn 29.000 người trên khắp thế giới.

Dự án cho phép mọi người giúp tìm kiếm các ngoại hành tinh thông qua sử dụng dữ liệu từ vệ tinh thăm dò TESS chuyên săn lùng ngoại hành tinh của NASA.

Vệ tinh săn hành tinh của NASA được phóng vào tháng 4.2018. Đến nay, nhóm sứ mệnh đã xác định được hơn 100 ngoại hành tinh và phát hiện ra hơn 2.600 ứng viên ngoại hành tinh cần xác nhận.

Các nhà khoa học dân sự sử dụng dữ liệu TESS sẵn có với các biểu đồ thể hiện độ sáng của những ngôi sao mà vệ tinh đã quan sát được, biểu đồ này được gọi là đường cong ánh sáng, để tìm kiếm các hành tinh.

Nếu bất kỳ ngôi sao nào trong số này có độ sáng giảm cho thấy dấu hiệu có một hành tinh đã đi qua phía trước của ngôi sao trong quỹ đạo di chuyển và hoạt động này được gọi là quá cảnh.

Nếu nhiều thành viên tham gia dự án gửi các đường cong ánh sáng giống nhau, một thuật toán sẽ thu thập chúng để các nhà nghiên cứu phân tích. Bằng cách này, các nhà khoa học có những ngoại hành tinh ứng viên có thể theo dõi.

Nora Eisner - nghiên cứu sinh vật lý thiên văn tại Đại học Oxford, Anh và tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Đó là lý do rất nhiều ngoại hành tinh ứng viên bị bỏ lỡ và tại sao khoa học dân sự lại tuyệt vời".

Những nhà khoa học dân sự tham gia vào nghiên cứu cũng là đồng tác giả, trong đó có Cesar Rubio - một thợ máy ở Pomona, California, Mỹ.

Thông tin mà các nhà khoa học dân sự thu thập được về HD 152843 đã được các nhà nghiên cứu phân tích và so sánh với các mô hình. Các nhà khoa học xác định rằng, hành tinh B, hành tinh gần với ngôi sao nhất, có 2 lần quá cảnh trong khi lần quá cảnh thứ 3 có thể do hành tinh C thực hiện.

Nhiều dữ liệu và quan sát hơn cho phép các nhà khoa học xác định khối lượng của cả hai hành tinh.

Cả hai hành tinh mới phát hiện đều quá nóng và ở dạng khí nên khó có thể hỗ trợ sự sống nhưng cũng đã cung cấp thêm thông tin về sự đa dạng của các hành tinh được phát hiện bên ngoài Hệ Mặt trời.

Việc quan sát những hành tinh này trong tương lai bằng kính viễn vọng không gian James Webb có thể xác định liệu những ngoại hành tinh này có bầu khí quyển hay không và nếu có thì bầu khí quyển đó hình thành từ vật chất gì.

“Chúng tôi đang thực hiện từng bước nhỏ theo hướng tìm kiếm một hành tinh giống Trái đất và nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh đó đồng thời tiếp tục thúc đẩy ranh giới của những gì chúng ta có thể nhìn thấy" - nhà khoa học Eisner cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn