MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có hàng triệu quả việt quất như thế này nằm rải rác trên bề mặt sao Hỏa. Một nghiên cứu mới cho thấy chúng có thể nắm giữ một dấu vết quan trọng của nước cổ đại. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/Cornell/USGS)

Phát hiện bằng chứng cuối cùng về nước trên sao Hỏa cổ đại

Nguyễn Hạnh LDO | 30/08/2021 19:57
Nghiên cứu mới cho thấy, "quả việt quất" trên sao Hỏa chứa các dấu hiệu của nước và có thể là bằng chứng cuối cùng về quá khứ nhiều nước của hành tinh đỏ.

Theo Live Science, có hàng triệu tinh thể nhỏ xíu hình cầu với đường kính trung bình khoảng 2,5mm rải rác trên khắp bề mặt sao Hỏa. Mặc dù những quả cầu này khiến cho hành tinh đỏ có màu gỉ sắt, nhưng việc xuất hiện với màu xanh lam trong một bức ảnh năm 2004 của NASA đã khiến chúng có biệt danh là "quả việt quất".

Các nhà khoa học đã rất thất vọng khi biết rằng chúng thực sự là hematite - hợp chất khoáng bao gồm sắt và ôxy. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã phân tích các khoáng chất tương tự trên Trái đất, cho thấy những quả việt quất trên sao Hỏa thực sự có thể là hydrohematite - khoáng chất sắt oxide còn lưu giữ những dấu vết cực nhỏ của nước cổ đại.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu đúng như vậy thì những cánh đồng việt quất trên sao Hỏa là bằng chứng cho thấy hành tinh này từng là nơi ẩm ướt và có màu xanh lam.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã đã kiểm tra nhiều mẫu hydrohematite từ các bộ sưu tập khoáng vật tại Viện Smithsonian và Bang Penn. Họ nghiên cứu thành phần của các khoáng chất bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm cả quét tia X và tia hồng ngoại. Họ xác nhận các khoáng chất có một số nguyên tử sắt được thay thế bằng hydroxyl - một nhóm hydro và ôxy đến từ nước được lưu trữ.

Một mẫu hydrohematite được các nhà khoa học phân tích trong nghiên cứu mới. Ảnh: Andreas Massanek, TU Bergakademie, Freiberg, Đức

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tìm hiểu các điều kiện giúp hydrohematite hình thành và xem liệu nó có phù hợp với các điều kiện có thể đã từng tồn tại trên sao Hỏa hay không. Sau khi đặt các mẫu vào nhiều điều kiện nhiệt độ, độ chua và nước, họ biết được rằng hydrohematite kết tinh trong môi trường ẩm ướt và có tính axit ở nhiệt độ thấp hơn 150 độ C.

Nói cách khác, các tinh thể hydrohematite có thể được hình thành từ điều kiện nhiều nước của sao Hỏa cổ đại, tạo thành một lớp trầm tích gồm những quả việt quất trên khắp hành tinh. Do đó, mỗi quả việt quất trên sao Hỏa có thể chứa 8% nước tính theo trọng lượng.

Tuy nhiên, sự tồn tại của hydrohematite trên sao Hỏa vẫn chỉ là suy đoán dựa trên sự tương đồng của hydrohematite ở Trái đất và quả việt quất trên sao Hỏa. Do đó, cho đến khi các sứ mệnh trong tương lai mang các mẫu khoáng chất nguyên sơ từ hành tinh đỏ trở về, các nhà khoa học chỉ có thể đoán xem điều gì ẩn giấu bên trong những quả việt quất.

Các phát hiện được công bố ngày 20.7 trên tạp chí Geology.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn