MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng Webb đã phát hiện ra bằng chứng về các phân tử hữu cơ phức tạp tương tự như khói hoặc sương khói trong thiên hà xa xôi. Ảnh: NASA

Phát hiện các phân tử hữu cơ trong thiên hà xa xôi

Anh Vũ LDO | 07/06/2023 10:21

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy các phân tử hữu cơ phức tạp trong một thiên hà cách Trái đất hơn 12 tỉ năm ánh sáng.

Sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, một nhóm nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra các phân tử hữu cơ phức tạp, có dạng giống như khói, bồ hóng và sương mù của Trái đất, trong một thiên hà cách xa chúng ta 12 tỉ năm ánh sáng, Scitech Daily đưa tin.

Sử dụng kính viễn vọng Webb, nhà thiên văn học Justin Spilker của Đại học Texas A&M và các cộng tác viên đã tìm thấy các phân tử hữu cơ trong một thiên hà cách xa hơn 12 tỉ năm ánh sáng.

Do khoảng cách cực xa của nó, ánh sáng mà các nhà thiên văn học phát hiện đã bắt đầu khi vũ trụ chưa đầy 1,5 tỉ năm tuổi, khoảng 10% tuổi hiện tại của nó.

Thiên hà này lần đầu tiên được phát hiện bởi Kính viễn vọng Nam Cực của Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ vào năm 2013 và kể từ đó đã được nghiên cứu bởi nhiều đài quan sát, bao gồm cả kính viễn vọng vô tuyến ALMA và Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Spilker lưu ý rằng khám phá này được thực hiện nhờ sức mạnh tổng hợp của Webb và một chút may mắn, với sự trợ giúp từ hiện tượng gọi là thấu kính hấp dẫn.

Hiện tượng này, ban đầu được dự đoán bởi thuyết tương đối của Albert Einstein, xảy ra khi hai thiên hà gần như thẳng hàng hoàn hảo theo góc nhìn của chúng ta trên Trái đất.

Ánh sáng từ thiên hà nền được kéo dài và phóng đại bởi thiên hà tiền cảnh thành hình dạng giống như chiếc nhẫn, được gọi là chiếc nhẫn Einstein.

Sự kiện chiếc nhẫn Einstein. Ảnh: J. Spilker

“Bằng cách kết hợp các khả năng đáng kinh ngạc của Webb với một "kính lúp vũ trụ" tự nhiên, chúng tôi thậm chí có thể nhìn thấy nhiều chi tiết hơn những gì chúng tôi có thể làm được", Spilker, trợ lý giáo sư tại Khoa Vật lý và Thiên văn học A&M Texas và là thành viên của Viện Thiên văn học và Vật lý Cơ bản Cynthia Woods Mitchell cho biết.

“Mức độ phóng đại đó thực sự là điều khiến chúng tôi quan tâm đến việc quan sát thiên hà này bằng James Webb ngay từ đầu, bởi vì nó thực sự cho phép chúng tôi nhìn thấy tất cả các chi tiết phong phú về những gì tạo nên một thiên hà trong vũ trụ sơ khai mà chúng tôi không bao giờ có thể làm được".

Dữ liệu từ James Webb đã tìm thấy dấu hiệu nhận biết của các phân tử hữu cơ lớn giống như sương mù và khói, tạo thành các khối phát thải hydrocarbon gây ung thư tương tự trên Trái đất, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm khí quyển.

Tuy nhiên, Spilker cho biết tác động của các tín hiệu khói thiên hà ít tai hại hơn nhiều đối với hệ sinh thái vũ trụ của chúng.

“Những phân tử lớn này thực sự khá phổ biến trong không gian. Các nhà thiên văn từng nghĩ chúng là dấu hiệu tốt cho thấy các ngôi sao mới đang hình thành. Bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy những phân tử này, những ngôi sao bé cũng ở ngay đó đang bùng cháy", Spilker giải thích.

Theo Spilker, các kết quả mới từ James Webb cho thấy ý tưởng này có thể không hoàn toàn đúng trong vũ trụ sơ khai.

“Nhờ những hình ảnh độ nét cao từ James Webb, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều vùng có khói nhưng không có sự hình thành sao và những vùng khác có các ngôi sao mới hình thành nhưng không có khói", ông Spilker nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn