MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh minh hoạ một đĩa tiền hành tinh, một đĩa chứa khí đặc quay xung quanh một ngôi sao trẻ mới hình thành. Ảnh: NASA

Phát hiện cách các hành tinh hình thành trong Hệ Mặt trời

Anh Vũ LDO | 12/11/2023 14:00

Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) cuối cùng đã chứng minh một phần quan trọng của quá trình hình thành các hành tinh, theo Science Alert.

Dữ liệu mới xử lý từ JWST bởi một nhóm các nhà khoa học đã ủng hộ giả thuyết lâu đời về khái niệm “sự trôi dạt của sỏi băng” (icy pebble drift), một quá trình quan trọng trong việc tạo ra các hành tinh.

Theo giải thích đơn giản, sự trôi dạt của sỏi băng xảy ra khi các mảnh vật chất nhỏ phủ băng va chạm vào nhau ở phần ngoài của đĩa tiền hành tinh trẻ (một đĩa chứa khí đặc quay xung quanh một ngôi sao trẻ mới hình thành).

Những mảnh này mất đà và rơi về phía ngôi sao, nơi lớp băng đóng lạnh của chúng bốc hơi. Từ đó, các hành tinh đá hình thành, tạo ra một “dịch vụ vận chuyển vật liệu xây dựng” ngay trong hệ mặt trời sơ sinh.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao từ camera hồng ngoại tầm trung của JWST để kiểm tra hai loại đĩa tiền hành tinh: nhỏ gọn và mở rộng. Kết quả cho thấy, vật liệu đóng băng có thể di chuyển qua các đĩa tiền hành tinh.

Nhà khoa học hành tinh Colette Salyk từ Đại học Vassar (Mỹ) nói: “Chúng tôi thực sự có bằng chứng cho thấy, các khu vực tạo ra các hành tinh có thể tương tác với nhau. Đó cũng là điều được cho là đã xảy ra trong Hệ Mặt trời của chúng ta”.

Nhà vật lý thiên văn Andrea Banzatti từ Đại học bang Texas (Mỹ) cho biết: “James Webb cuối cùng đã tiết lộ mối liên hệ giữa hơi nước ở đĩa bên trong và sự trôi dạt của những viên sỏi băng giá từ đĩa bên ngoài. Phát hiện này mở ra triển vọng thú vị cho việc nghiên cứu sự hình thành hành tinh đá”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn