MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môi trường giữa các vì sao trong Dải Ngân Hà là một tập hợp khổng lồ của khí và bụi. Ảnh: Getty/AFP

Phát hiện cấu trúc khổng lồ lần đầu lộ diện trong không gian Ngân Hà

Bảo Châu LDO | 09/07/2021 11:14
Một cấu trúc khổng lồ trước đây chưa từng lộ diện trong Dải Ngân Hà đã được các nhà thiên văn học tình cờ phát hiện.

Theo Newsweek, nhóm nhà thiên văn học trong đó có giáo sư Ron Allen của khoa Vật lý và Thiên văn thuộc Đại học Johns Hopkins đã tình cờ phát hiện ra cấu trúc khổng lồ này.

Cấu trúc được tạo nên bởi một lượng khí lớn đến kinh ngạc, trải dài khắp đĩa của Dải Ngân Hà và có thể ra đến tận vùng ngoại biên của nó.

Mới gần đây, các nhà thiên văn học cũng từng cho biết số lượng hành tinh có kích thước bằng Trái đất quay quanh các ngôi sao khác có thể nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây.

Khi các nhà thiên văn học nói về chân không của không gian, nghĩa là họ đang đề cập đến khoảng không gian trống rỗng giữa các ngôi sao và hành tinh không được lấp đầy bởi bất cứ thứ gì.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào vũ trụ trên một quy mô đủ lớn, có thể thấy rõ rằng ngay cả chân không vũ trụ cũng không hoàn toàn trống rỗng. Thay vào đó, nó chứa đầy cái được gọi là môi trường giữa các vì sao, gồm một tập hợp khí và bụi có mật độ cực thấp.

Người ta cho rằng khí này chủ yếu được tạo ra từ phân tử hydro (H2), và các phân tử khác. Vấn đề là H2 thường không thể bị phát hiện, và vì vậy các nhà thiên văn học thay vào đó phải tìm kiếm các phân tử khác - thường là khí CO hoặc OH -trộn lẫn với khí giữa các vì sao giúp suy ra sự tồn tại của H2. Những phân tử khác này được gọi là chất đánh dấu.

Bằng cách dùng kính viễn vọng vô tuyến Green Bank để quan sát chất đánh dấu là khí OH, giáo sư Allen và đồng nghiệp đã phát hiện ra cấu trúc khổng lồ ở thiên hà của chúng ta.

"Các quan sát OH bắt đầu lấp đầy khoảng trống, cho thấy khí phân tử là thành phần chính trong cấu trúc khổng lồ phát hiện ở Dải Ngân Hà" - tuyên bố từ Đài quan sát Green Bank cho hay.

Một nghiên cứu về phát hiện này, được xuất bản trên Tạp chí Vật lý thiên văn vào tháng 6, đã mô tả khám phá là một sự "tình cờ" và cấu trúc là "một phát xạ OH cực kỳ rộng và phổ biến" nằm ở góc phần tư thứ hai của thiên hà khác.

Bài báo cho biết thêm: "Kết quả của chúng tôi chỉ ra sự tồn tại của một đĩa khí phân tử khuếch tán dày ở phía ngoài thiên hà mà trước đây chưa được phát hiện trong các cuộc khảo sát khí CO trên bầu trời".

Nhóm nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của cấu trúc có ý nghĩa đối với các lý thuyết về cách các ngôi sao được hình thành cũng như cấu trúc của môi trường giữa các vì sao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn