MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xương hàm của loài dơi ma cà rồng khổng lồ từ 100.000 năm trước được tìm thấy trong một hang động ở Argentina. Ảnh: Bảo tàng Miramar

Phát hiện dấu tích xương loài dơi ma cà rồng khổng lồ thời tiền sử

Bảo Châu LDO | 30/07/2021 20:00
Xương hàm của loài dơi ''Dracula'' khổng lồ có niên đại 100.000 năm được tìm thấy trong một hang động ở Argentina.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Ameghiniana, dấu tích xương hàm dơi thuộc về loài Desmodus draculae - một trong những loài dơi ma cà rồng lớn nhất từng tồn tại. Để so sánh, loài dơi này lớn hơn khoảng 30% so với họ hàng gần nhất còn sống của nó là dơi ma cà rồng thông thường, có sải cánh khoảng 50cm.

Loài Desmodus draculae hiện đã tuyệt chủng, từng sống trong kỷ Pleistocen ở Trung và Nam Mỹ, lần đầu tiên được phát hiện ở Venezuela vào năm 1988.

Những mảnh xương khác đã từng được tìm thấy gần đây nhưng không đủ niên đại để hóa thạch, cho thấy loài này có thể đã biến mất mới cách đây chỉ vài trăm năm.

Nhà cổ sinh vật học Mariano Magnussen thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Miramar ở Argentina cho biết: ''Chúng là họ dơi duy nhất trên thế giới khơi dậy sự tò mò về những truyền thuyết vùng đất ma cà rồng Transylvania và bá tước Dracula đáng sợ. Nhưng trên thực tế, chúng là loài động vật ôn hòa, hút máu của động vật, và đôi khi là con người, trong vài phút mà không gây khó chịu''.

Tuy nhiên, điều tồi tệ duy nhất là chúng có thể truyền bệnh dại hoặc các bệnh khác nếu chúng bị nhiễm bệnh. Chắc chắn rằng các đại diện tiền sử của loài này cũng có những hành vi tương tự.

Ngày nay, chỉ 3 trong số 1.400 loài dơi được biết đến là dơi ma cà rồng, chỉ sống bằng máu của các sinh vật khác.

Chúng là các loài dơi ma cà rồng phổ biến, gồm dơi cánh trắng và dơi chân lông, tất cả chỉ được tìm thấy ở Trung và Nam Mỹ.

Xương hàm được tìm thấy ở Argentina được thu hồi từ trầm tích kỷ Pleistocen trong một hang động không xa thị trấn Miramar của thành phố Buenos Aires.

Hang động này từng là nơi sinh sống của một con lười khổng lồ cách đây 100.000 năm, điều này có thể cung cấp manh mối về cách loài dơi ma cà rồng khổng lồ tồn tại.

Hình minh họa dơi ma cà rồng sống trong hang của con lười khổng lồ 100.000 năm trước. Ảnh: Bảo tàng Miramar

Một số chuyên gia cho rằng Desmodus draculae kiếm ăn trên các nhóm động vật to lớn, trong đó có loài lười khổng lồ, sống trên Trái đất trong kỷ nguyên Pleistocen.

Nếu suy đoán này là đúng, sẽ củng cố giả thuyết rằng loài dơi Desmodus draculae đã suy giảm sau sự tuyệt chủng của các động vật to lớn vào khoảng 10.000 năm trước.

Tiến sĩ Daniel Tassara, một nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Pachamama, cho biết: ''Xương hàm của Desmodus draculae được tìm thấy bên trong hang động hoặc các hốc có đường kính 1,2m. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ dơi ma cà rồng này vào hang để kiếm ăn hay là mồi cho các động vật khác''.

Các nhà nghiên cứu cho biết, loài dơi này là ''loài cuối cùng trong số các động vật có vú bay khổng lồ và nó đã tuyệt chủng trong thời kỳ khoảng năm 1820, có thể là do hậu quả của Kỷ Băng hà nhỏ'' .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn