MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện dấu vết hóa thạch quan trọng về sự sống 58 triệu năm trước

Phương Linh LDO | 14/05/2021 15:00

Các nhà khoa học phát hiện bằng chứng hóa thạch sớm nhất từng được biết đến về động vật có vú ở bờ biển Mỹ thời nguyên thủy.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san khoa học Scientific Reports, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra dấu chân của hai loài động vật có vú - một loài 5 ngón được xác định và một loài không xác định có chân nhỏ hơn gồm 4 ngón - có niên đại 58 triệu năm tại hệ tầng Hanna ở tiểu bang Wyoming của Mỹ.

Dấu chân động vật có vú ở hệ tầng Hanna, Wyoming. Ảnh: Tiến sĩ Anton Wroblewski/ Đại học Utah

Loài động vật có vú được xác định là Coryphodon, một sinh vật móng guốc nguyên thủy bốn chân, 5 ngón, kích thước tương đương với một con gấu nâu. Đây là một trong những loài động vật có vú lớn nhất được biết đến vào thời kỳ đó.

Được so sánh với một con hà mã thời hiện đại, Coryphodon khá chậm chạp và nặng nề với đôi chân mập, ngắn, dường như để nâng đỡ một cơ thể nặng nề hơn là chạy nhanh.

Mô tả loài Coryphodon, một động vật có vú thời nguyên thủy. Ảnh: Tiến sĩ Anton Wroblewski/ Đại học Utah

Phát hiện này cho thấy các loài động vật có vú sống ở môi trường biển sớm hơn ít nhất 9,4 triệu năm so với nhận định trước đây. Nghĩa là chúng sống vào cuối kỷ Paleocen (66-56 triệu năm trước) chứ không phải kỷ Eocene (56-33,9 triệu năm trước).

Các loài động vật có vú lớn ngày nay tập trung gần nước để tự vệ trước những kẻ săn mồi và côn trùng cắn, cũng như để kiếm thức ăn và tiếp cận với các nguồn muối. Theo các nhà nghiên cứu, các loài động vật có vú cổ đại đã tuyệt chủng có thể có những lý do tương tự để sống ở gần bãi biển.

Những dấu chân được tác giả nghiên cứu - tiến sĩ Anton Wroblewski thuộc Đại học Utah, Mỹ - phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9.2019. Tất cả bao gồm các dấu tích bên trên các lớp trầm tích, cũng như các dấu vết ép vào bề mặt của các bãi thủy triều cổ đại.

Tiến sĩ Wroblewski tiết lộ: “Các nhà cổ sinh vật học đã làm việc trong khu vực này trong 30 năm, nhưng họ tìm kiếm xương, hóa thạch lá và phấn hoa, vì vậy họ không nhận thấy những dấu chân hoặc đường đi''.

Điều này đã khiến ông Wroblewski hết sức kinh ngạc khi phát hiện thấy những dấu chân trên các phiến đá sa thạch nghiêng: ''Lúc đầu, tôi không thể tin được những gì mình đang nhìn thấy - tôi đã đi qua mỏm đá này trong nhiều năm mà không nhận ra chúng''.

''Khi tôi nhìn thấy một vài dấu vết đầu tiên, tôi lần theo sườn núi sa thạch và nhận ra chúng là một phần của một con đường lớn hơn, rộng hơn nhiều'' - tiến sĩ cho hay.

Tiến sĩ Anton Wroblewski và phát hiện đáng kinh ngạc. Ảnh: Tiến sĩ Anton Wroblewski/ Đại học Utah

Ngày nay, những ngọn núi ở hệ tầng Hanna của Wyoming cách xa hàng trăm dặm so với vùng biển gần nhất. Nhưng khoảng 58 triệu năm trước, Wyoming nằm ngay cạnh vùng biển gọi là biển Cannonball - nơi các loài động vật có vú lớn như hà mã thường xuyên qua lại các đầm phá gần bờ.

Theo tiến sĩ Wroblewski, các dấu chân tìm thấy ở hệ tầng Hanna là các dấu vết động vật có vú trong kỷ Paleocen đầu tiên được tìm thấy ở Mỹ và là dấu vết thứ tư trên thế giới - trước đó các dấu vết tương tự đã được tìm thấy ở Canada, Svalbard, Na Uy.

Phát hiện mới cũng là điểm tập trung các di tích động vật có vú trong kỷ Paleocen lớn nhất trên thế giới xét cả về quy mô và số lượng. Những dấu vết của ít nhất hai loài động vật cho thấy nơi này cũng đa dạng nhất về mặt phân loài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn