MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên địa chất Yehliu ở đông bắc Đài Loan là nơi phát hiện ra dấu vết đường hầm 20 triệu năm tuổi dưới đáy biển. Ảnh: Ludvig Löwemark

Phát hiện đường hầm bí ẩn 20 triệu năm tuổi dưới đáy đại dương

Song Minh LDO | 24/01/2021 09:47
Những đường hầm bí ẩn 20 triệu năm tuổi dưới đáy đại dương cổ đại bắt nguồn từ loài giun ăn thịt dài 1,8 mét.

Tờ Business Insider đưa tin, các nhà khoa học ở Đài Loan (Trung Quốc) đã phát hiện ra những cái hang kỳ lạ, hình chữ L trong một khối đá cách đây 8 năm. Vì những tảng đá từng nằm dưới đáy Thái Bình Dương, họ nghĩ rằng các đường hầm được tạo ra bởi tôm, hoặc có lẽ là bạch tuộc. Nhưng hình dạng và cấu trúc của những hang này không khớp với những hang được tạo ra bởi những sinh vật như vậy, và bí ẩn vẫn kéo dài.

Bây giờ, dường như đã có lời giải cho bí ẩn nói trên: Các “kiến ​​trúc sư” đằng sau những đường hầm này là những con giun dài 1,8 mét sống cách đây khoảng 20 triệu năm - theo một nghiên cứu được công bố vào tuần này. Bằng chứng hóa thạch đã giúp các tác giả nghiên cứu tìm ra cách những kẻ săn mồi săn bắt và xây dựng hang dưới biển.

Hình minh hoạ giun bobbit trong đường hầm dưới đáy biển của chúng. Ảnh: Ludvig Löwemark

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những con giun biển cổ đại sẽ nằm dưới cát chờ đợi những con mồi; sau đó khi có cá đi qua, giun sẽ lao ra khỏi hang, ngoạm con mồi và kéo nạn nhân xuống dưới đáy biển. Cát xung quanh miệng đường hầm lún xuống cho thấy con mồi giãy giụa trong vòng vây của giun.

Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng, loài giun cổ đại là tổ tiên của loài giun bobbit ngày nay, chúng bắt mồi theo cách tương tự.

“Chúng tôi biết rằng giun ăn thịt đã có từ hàng trăm triệu năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thực sự có thể thấy bằng chứng về hành vi tương tự như loài giun bobbit hiện đại” - Ludvig Löwemark, nhà địa chất học từ Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, nói với tờ Business Insider.

Giun bobbit dưới đáy đại dương ở Philippines năm 2014. Ảnh: Wiki

Nhóm của Löwemark đã tìm thấy các hang động trong các lớp đá sa thạch ở đông bắc Đài Loan. Tảng đá hình thành từ 5,3 đến 23 triệu năm trước, trong kỷ nguyên được gọi là Miocen.

Họ đã thu thập hàng trăm mẫu đào hang từ Công viên địa chất Yehliu và bờ biển Badouzi của Đài Loan, sau đó sử dụng chúng để xác định đặc điểm hoá thạch dấu vết (trace fossil) các đường hầm của giun thời tiền sử. Hóa thạch dấu vết là quá trình hình thành địa chất do một loài động vật để lại mà không bao gồm phần còn lại của chính con vật đó.

Löwemark và các đồng nghiệp của ông cho rằng, những con giun đặc biệt đã xây dựng hang mà họ tìm thấy hoặc đã bỏ rơi chúng hoặc chết. Löwemark cho biết, cơ hội tìm thấy một con giun đã hóa thạch là rất nhỏ vì các mô mềm của nó sẽ phân hủy nhanh chóng sau khi chết.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng hóa thạch về một loài săn mồi phục kích sống dưới đáy đại dương.

“Cho đến nay, các hóa thạch có dấu vết tương tự vẫn chưa được báo cáo từ bất kỳ nơi nào khác trên trái đất” - ông Löwemark nói, mặc dù "điều này có thể được giải thích là do cho đến bây giờ, các nhà khoa học không biết phải tìm kiếm cái gì”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn