MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loài agma mào xanh Campuchia nằm trong số những loài mới được nêu trong cập nhật của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới về khu vực sông Mekong. Ảnh: WWF

Phát hiện gần 400 loài mới ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng

Thùy Dung LDO | 23/05/2023 15:27

Gần 400 loài mới được phát hiện ở khu vực sông Mekong mở rộng có thể sớm bị tuyệt chủng do mất môi trường sống bởi hoạt động của con người, Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cảnh báo. 

Những khám phá này được nhóm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu quốc tế làm việc tại 5 quốc gia thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm, từ 2021 đến 2022.

“Những loài đáng chú ý này có thể là loài mới với các nhà khoa học nhưng chúng đã tồn tại và phát triển ở khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong hàng triệu năm, nhắc nhở con người rằng chúng đã ở đó rất lâu trước khi chúng ta chuyển đến khu vực này" - K. Yoganand  - trưởng nhóm động vật hoang dã khu vực tiểu vùng sông Mekong của WWF - cho hay.

Ông nói thêm: “Chúng ta có nghĩa vụ làm mọi thứ để ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng, bảo vệ môi trường sống của chúng và giúp chúng phục hồi". 

Theo báo cáo của WWF, trong giai đoạn nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện tổng cộng 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và 1 loài động vật có vú, nâng tổng số loài thực vật có mạch, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú được mô tả tại khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng từ năm 1997 lên gần 4.000.

Ếch Theloderma khoii được tìm thấy ở vùng rừng núi đá vôi vùng đông bắc Việt Nam. Ảnh: WWF

Tắc kè ngón cong Cyrtodactylus rukhadeva được phát hiện ở dãy núi Tenasserim của Thái Lan giáp với Myanmar. Cyrtodactylus rukhadeva là một loài sống trên cây và tên của loài này lấy từ Rukha Deva - nữ thần cây bảo vệ khu rừng trong thần thoại Thái Lan.

Việc phát hiện ra loài lan Dendrobium fuscifaucium cũng diễn ra tình cờ. Một chủ vườn ươm đã mua cây nay từ một người bán hàng địa phương ở tỉnh Vientiane của Lào. Khi ra hoa, người này gửi ảnh cho chuyên gia hoa lan châu Á Pankaj Kumar -  học giả thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Texas. Tin rằng đây là một loài mới, Kumar đã làm việc với một chuyên gia về hoa lan ở Lào để truy tìm nguồn gốc nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy loài hoa này nở hoa trong tự nhiên.

WWF cảnh báo trong báo cáo ngày 22.5 rằng, mặc dù gần như tất cả các loài lan được buôn bán hợp pháp đều nhân giống nhân tạo nhưng việc buôn bán và thu hoạch quá mức từ tự nhiên là mối đe dọa đối với nhiều loài.

Các nhà nghiên cứu cũng thông tin, loài cóc nhỏ được tìm thấy trên bán đảo Thái Lan - Malay được đặt tên là Ansonia infernalis vì màu cam đỏ tươi ở các chi và hai bên sườn được liên tưởng là giống với lửa địa ngục.

CNN chỉ ra, trong khi nêu bật sự đa dạng sinh học của tiểu vùng Mekong mở rộng, nơi sinh sống của hơn 300 triệu người và bao gồm Thái Lan, Myanmar, Lào, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam, những khám phá cũng cho thấy mối đe dọa đang tăng với động vật hoang dã do thói quen xâm lấn của con người.  

Mark Wright - giám đốc khoa học của WWF-UK - cho biết, báo cáo mới nhắc nhở nhân loại về “sự đa dạng và sáng tạo phi thường của tự nhiên”, đồng thời là “lời nhắc nhở kịp thời về mối nguy hiểm tột bậc mà rất nhiều loài và môi trường sống này phải đối mặt, và những gì chúng ta có nguy cơ mất nếu không cam kết và hành động khẩn cấp". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn