MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành tinh Proxima d quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri. Ảnh: ESO

Phát hiện hành tinh mới quay quanh ngôi sao cực gần Hệ Mặt trời

Hải Anh LDO | 11/02/2022 14:00
Proxima d là hành tinh thứ ba được phát hiện quay quanh ngôi sao Proxima Centauri cách Trái đất 4 năm ánh sáng. 

Các nhà thiên văn tìm thấy bằng chứng về một hành tinh mới quay quanh Proxima Centauri, ngôi sao gần Mặt trời nhất. Thế giới ngoài hành tinh mới phát hiện chỉ bằng 1/4 khối lượng Trái đất và quay quanh quỹ đạo cực kỳ gần với ngôi sao chủ, tương đương 1/10 khoảng cách giữa Mặt trời và sao Thủy. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hành tinh mới sau khi nghiên cứu những chao đảo nhỏ trong chuyển động của Proxima Centauri được tạo ra từ lực hấp dẫn mà hành tinh tác động khi quay quanh ngôi sao. Những quan sát bằng Kính viễn vọng Rất lớn của Đài quan sát phía Nam Châu Âu (ESO) ở Chile cho thấy, hành tinh này hoàn thành một quỹ đạo đầy đủ quanh ngôi sao chủ trong 5 ngày. 

João Faria - nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn và Khoa học Không gian ở Bồ Đào Nha, tác giả chính của nghiên cứu - cho biết, khám phá này cho thấy ngôi sao hàng xóm gần nhất của chúng ta “chứa đầy những thế giới mới thú vị”.

Các nhà khoa học tin rằng, hành tinh mới quay quanh Proxima Centauri khoảng 4 triệu km. Thông tin chi tiết được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

Được đặt tên là Proxima d, hành tinh mới là hành tinh thứ ba - và là hành tinh nhẹ nhất - được phát hiện xung quanh Proxima Centauri. Proxima Centauri cách Trái đất 4 năm ánh sáng và là ngôi sao gần nhất với Hệ Mặt trời.

Ngoài hành tinh mới, Proxima Centauri có 2 hành tinh khác là Proxima b - hành tinh có khối lượng tương đương với Trái đất quay quanh sao chủ trong 11 ngày và hành tinh Proxima c có chu kỳ quỹ đạo là 5 năm. 

Những gợi ý đầu tiên về hành tinh này có từ năm 2020 khi các nhà thiên văn quan sát Proxima Centauri xác nhận sự tồn tại của Proxima b. Các phép đo cho thấy, có những tín hiệu yếu trong chuyển động của ngôi sao có khả năng là do một hành tinh có chu kỳ quay 5 ngày. Những quan sát sâu hơn bằng công cụ trên kính thiên văn Espresso của ESO đã xác nhận sự tồn tại của hành tinh mới.

“Đây là một hành tinh có khối lượng rất thấp và là ứng viên thứ 3 quay xung quanh ngôi sao gần chúng ta nhất. Nó cho thấy những hành tinh này, tương tự như Trái đất, có thể phổ biến trong thiên hà và ở gần đó. Hành tinh mới cũng khiến chúng tôi tự hỏi về những điều kiện có thể có để sinh sống ở những hệ hành tinh này và liệu sự sống có thể xuất hiện ở những nơi khác trong vũ trụ hay không" - tác giả Faria nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn