MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện hóa thạch động vật kỳ lạ từ kỷ Phấn trắng tại Trung Quốc

Hà Huyền LDO | 09/04/2021 14:00

Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch hai loài động vật đào hang mới sống ở đông bắc Trung Quốc, cách đây 120 triệu năm.

Theo Science News, hóa thạch được đặt tên là Fossiomanus sinensis và Jueconodon cheni, đại diện cho hai loài động vật có vú sống cách đây khoảng 120 triệu năm (kỷ Phấn trắng sớm).

Fossiomanus sinensis (phía trên bên phải) và Jueconodon cheni trong hang. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ

Jueconodon cheni thuộc loài eutriconodontan - họ hàng xa của thú có nhau thai và thú có túi hiện đại - dài khoảng 17,8 cm.

Fossiomanus sinensis thuộc loài động vật có vú ăn cỏ gọi là Tritylodontid, chiều dài của chúng lên tới 31,6 cm. Fossiomanus sinensis cũng là động vật có vú ăn cỏ đầu tiên được phát hiện trong hệ sinh vật Jehol.

Fossiomanus sinensis (trái) và cheni Jueconodon (phải). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ

Tiến sĩ Jin Meng, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ cùng các đồng nghiệp cho biết: “Hệ sinh vật Jehol trong kỷ Phấn trắng sớm đã tạo ra nhiều hóa thạch được bảo quản tốt, cung cấp rất nhiều thông tin quý giá về hình thái và sự tiến hóa của các loài động vật có vú thời kỳ đầu”.

“Hai loài mới này mở rộng sự đa dạng của quần thể động vật có vú. Đồng thời, hóa thạch của chúng cũng tạo cơ hội để giới nghiên cứu tìm hiểu thêm về đặc điểm sinh học (chẳng hạn như sự phát triển hệ xương trục) của những dạng đã tuyệt chủng này” - Tiến sĩ Jin Meng nhấn mạnh.

Động vật có vú thích nghi với việc đào hang có những đặc điểm chuyên biệt để thực hiện điều này. Tiến sĩ Meng và các đồng tác giả tìm thấy một số đặc điểm nổi bật - chẳng hạn như các chi và đuôi ngắn, chi trước mạnh mẽ và rắn chắc - ở cả Fossiomanus sinensis và Jueconodon cheni .

Đặc biệt, những đặc điểm này chỉ ra một loại hành vi đào gọi là “cào”, được thực hiện chủ yếu bằng móng vuốt của các chi trước.

Tiến sĩ Meng chia sẻ: “Có rất nhiều giả thuyết về lý do động vật đào sâu vào đất và sống dưới lòng đất. Để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi, để duy trì nhiệt độ tương đối ổn định hoặc để tìm nguồn thức ăn như côn trùng và rễ cây".

Fossiomanus sinensis và Jueconodon cheni cũng có chung một đặc điểm bất thường khác: Cột đốt sống dài. Thông thường, động vật có vú có 26 đốt sống từ cổ đến hông. Tuy nhiên, Fossiomanus sinensis có 38 đốt sống, trong khi Jueconodon cheni có 28 đốt.

Để xác định điều gì khiến những động vật này có đốt sống dài hơn loài khác, các nhà cổ sinh vật học đã nghiên cứu về sự phát triển sinh học của chúng. Họ phát hiện sự biến đổi này có thể là do đột biến gene quyết định số lượng và hình dạng của các đốt sống trong thời kỳ đầu phát triển phôi thai động vật.

“Những hóa thạch này làm sáng tỏ sự tiến hóa của bộ xương trục ở động vật có vú, vốn là trọng tâm của nhiều nghiên cứu về quá trình tiến hóa và phát triển sinh học của động vật có xương sống” - ông nói. Các phát hiện về Fossiomanus sinensis và Jueconodon cheni được công bố trên tạp chí Nature.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn