MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cấu tạo hộp sọ của loài khủng long siêu hiếm mới. Ảnh chụp màn hình.

Phát hiện hóa thạch khủng long không răng siêu hiếm ở Brazil

Anh Vũ LDO | 19/11/2021 11:10
Các nhà khoa học Brazil đã công bố phát hiện hóa thạch của một loài khủng long mới. Tuy được xác định là thuộc các loài ăn thịt, hóa thạch này lại không hề có răng.

Theo Science Alert, hôm 18.11, các nhà nghiên cứu cho biết, dấu tích của một loài khủng long hai chân không răng sống cách đây khoảng 70 triệu năm đã được phát hiện ở Brazil và gọi đây là một phát hiện "siêu hiếm".

Loài khủng long nhỏ, dài khoảng 1m và cao 80cm, là động vật chân đốt thuộc một nhóm gồm các loài đều được cho là động vật ăn thịt.

Nhưng điều khó hiểu là loài mới này, được đặt tên là Berthasaura leopoldinae, lại có một cái miệng giống như mỏ và không có răng - các nhà cổ sinh vật học thực hiện phát hiện này cho biết trong một tuyên bố do Bảo tàng Quốc gia Brazil đưa ra.

Họ đã công bố phát hiện của mình trên tạp chí Nature, gọi khám phá này là "một trong những loài khủng long hoàn chỉnh nhất được tìm thấy từ kỷ Phấn trắng ở Brazil".

Nhà nghiên cứu Geovane Alves Souza, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Phần không có răng làm dấy lên nghi ngờ về chế độ ăn uống của loài vật này. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết có nghĩa là nó không ăn thịt.

Rất nhiều loài chim, chẳng hạn như chim ưng và chim ó, ăn thịt bằng mỏ. Rất có thể, nó là một loài động vật ăn tạp sống trong một môi trường khắc nghiệt, nơi nó phải ăn bất cứ thứ gì có thể".

Bộ xương hóa thạch được tìm thấy dọc theo một con đường nông thôn ở bang Parana, miền nam nước này từ năm 2011 đến năm 2014. Phân tích cho thấy đây là một loài hoàn toàn mới sống cách đây từ 70 triệu đến 80 triệu năm.

Loài khủng long mới này được đặt tên theo Bertha Lutz, một nhà khoa học và nữ quyền người Brazil đáng kính đã qua đời năm 1976, và Maria Leopoldina, nữ hoàng thế kỷ 19 của Brazil.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn