MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cận cảnh căn phòng nô lệ từ thời kỳ La Mã cổ đại được bảo quản cực kỳ tốt cho đến ngày nay. Ảnh: Pompeii Sites

Phát hiện khảo cổ đặc biệt soi rọi thế giới La Mã cổ đại nhiều bí ẩn

Phương Linh LDO | 07/11/2021 19:17

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một căn phòng được bảo quản ''đặc biệt tốt'' của các nô lệ thành phố Pompeii của La Mã cổ đại.

Daily News đưa tin, quan chức Công viên Khảo cổ Pompeii ở miền nam Italia ngày 6.11 cho biết, căn phòng mang đến “cái nhìn đặc biệt, giúp làm sáng tỏ một phần về thế giới cổ đại còn nhiều điều đang ẩn sâu trong bóng tối”.

Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 3 chiếc giường gỗ và một chiếc rương gỗ chứa các đồ vật bằng kim loại và vải sợi, được cho là một phần của bộ yên ngựa.

Các đồ vật cá nhân cũng được tìm thấy trong phòng, bao gồm bình gốm, vò và hũ được sử dụng để cất giữ tài sản cá nhân.

 Căn phòng nô lệ nhìn từ trên cao. Ảnh: Pompeii Sites

Đây là phát hiện mới nhất ở thành phố cổ Pompeii của Italia. Các nhà khảo cổ học trong khi khai quật một biệt thự chôn vùi giữa đống đổ nát của vụ phun trào núi lửa năm 79 sau Công nguyên, đã phát hiện ra một căn phòng - nơi vừa là nơi ở vừa là nơi chứa đồ. Từ đây họ đã có "một cái nhìn sâu sắc và hiếm có về cuộc sống hàng ngày của nô lệ thời kỳ này".

Căn phòng được chiếu sáng bởi một cửa sổ nhỏ phía trên và dường như không có bất kỳ chi tiết trang trí nào trên tường.

Các nhà khảo cổ học nói rằng căn phòng được sử dụng như một nơi tá túc cho một nhóm nô lệ - có thể là một gia đình nhỏ, vì có một chiếc giường nhỏ cỡ trẻ em - và đồng thời cũng là nơi lưu trữ với 8 chiếc hũ nhét trong các góc phòng.

Nhà khảo cổ học làm việc tại hiện trường khai quật. Ảnh: Pompeii

“Chúng ta có thể tưởng tượng ở đây những người hầu, những nô lệ làm việc trong khu vực này và đến ngủ ở đây vào ban đêm” - Tổng giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii, Gabriel Zuchtriegel nói và nhận định đây chắc chắn là một cuộc sống trong điều kiện bấp bênh.

Theo ông Zuchtriegel, khám phá này là “cánh cửa dẫn vào thực tế bấp bênh về những người hiếm khi xuất hiện trong các ghi chép lịch sử”.

Vì lý do đó, lịch sử của họ có nguy cơ "vẫn còn vô hình trong các tên tuổi lịch sử vĩ đại" - ông nói thêm.

Còn theo ông Massimo Osanna, Giám đốc bảo tàng Italia: “Nghiên cứu về căn phòng này sẽ thu được kết quả phong phú hơn nhờ các phân tích đang diễn ra, sẽ cho phép chúng tôi khám phá ra những thông tin mới và thú vị về điều kiện sống và cuộc sống của nô lệ tại Pompeii và trong thế giới La Mã''.

Đây là phát hiện mới nhất ở thành phố cổ Pompeii, Italia.

Vào tháng 2.2021, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một cỗ xe nghi lễ bốn bánh còn nguyên vẹn cũng tại khu vực này.

Công viên khảo cổ cho biết “cỗ xe được trang trí lộng lẫy” là phương tiện được sử dụng ở La Mã cổ đại “bởi giới tinh hoa trong các nghi lễ” chứ không phải sử dụng để vận chuyển nông sản hoặc cho các hoạt động hàng ngày.

Cuối năm 2020, hài cốt của 2 người đàn ông đã chết 2.000 năm trước trong khi cố gắng thoát khỏi một vụ phun trào của núi Vesuvius cũng được phát hiện tại Civitta Giuliana, ngoại ô Pompeii.

Giới khảo cổ học tin rằng một trong những hài cốt là của một chủ đất Pompeii giàu có, độ tuổi từ 30 đến 40. Người còn lại có thể là nô lệ của ông ta, từ 18 đến 23 tuổi.

Nằm cách Naples 22km về phía đông nam, thành phố cổ đại Pompeii từng là nơi sinh sống của khoảng 13.000 người trước khi bị phá hủy bởi vụ phun trào nổi tiếng nhất của Núi Vesusius vào năm 79 sau Công nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn