MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những phát hiện mới đã chỉ ra rằng người tiền sử có thể đã biết chế tác gỗ từ rất lâu trong quá khứ. Ảnh: Đại học Liverpool

Phát hiện khảo cổ về nghề mộc từ thời tiền sử dưới thác nước

Anh Vũ LDO | 10/10/2023 10:51

Nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng, từ gần nửa triệu năm trước, tổ tiên loài người đã sở hữu kỹ thuật chế tác gỗ tiên tiến.

Các hiện vật bằng gỗ mới được tìm thấy chỉ ra rằng, tổ tiên của loài người từ thời đồ đá đã có thể chế tác gỗ để xây dựng các công trình sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta từng biết, theo Scitechdaily.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Liverpool và Đại học Aberystwyth ở Vương quốc Anh đã khai quật được những hiện vật gỗ được bảo quản kỹ càng tại Thác Kalambo ở Zambia, có niên đại ấn tượng lên đến 476.000 năm.

Phân tích các vết cắt của công cụ bằng đá trên gỗ, nhóm nghiên cứu suy luận rằng, người tiền sử ở thời đại này đã có thể tạo hình và kết hợp hai khúc gỗ với nhau, cho thấy ý thức về việc chế tác gỗ để ăn khớp với nhau có mục đích.

Trước phát hiện này, người tiền sử được cho là chỉ sử dụng gỗ vào những mục đích đơn giản hơn như tạo lửa, chế tạo công cụ cầm tay và làm giáo.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Liverpool và Đại học Aberystwyth ở Vương quốc Anh đã khai quật được những hiện vật gỗ được bảo quản kỹ càng tại Thác Kalambo ở Zambia, có niên đại ấn tượng lên đến 476.000 năm. Ảnh: Đại học Liverpool

Bản thân việc các hiện vật gỗ này đã rất đáng chú ý. Thông thường, các loại gỗ như vậy sẽ xuống cấp và biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, tại Thác Kalambo, mực nước cao đã bảo vệ và bảo tồn những công trình kiến trúc cổ bằng gỗ này.

Những phát hiện này đặt ra nghi ngờ về niềm tin trước đây rằng, con người thời đồ đá hoàn toàn là dân du mục. Nguồn tài nguyên dồi dào ở vùng lân cận Thác Kalambo cho thấy rằng, những người cổ đại này có thể đã có cuộc sống định cư, khai thác nguồn nước lâu năm và khu rừng xung quanh để làm thực phẩm, cho phép họ tham gia xây dựng nhà cửa từ gỗ.

Giáo sư Larry Barham từ Đại học Liverpool đã nêu rõ tầm quan trọng của khám phá này: “Họ đã sử dụng trí thông minh, trí tưởng tượng và kỹ năng của mình để tạo ra thứ mà họ chưa từng thấy trước đây”.

Xác định niên đại của những hiện vật cổ xưa này là một thách thức với các nhà khoa học. Đại học Aberystwyth đã sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng ánh sáng, tập trung vào thời điểm các khoáng chất của cát xung quanh hiện vật được tiếp xúc lần cuối với ánh sáng mặt trời.

Phương pháp này vượt qua ranh giới của các kỹ thuật xác định niên đại hiện tại, mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về quá trình tiến hóa của loài người.

Giáo sư Geoff Duller nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này, đồng thời đề cập rằng, mặc dù, Thác Kalambo đã được khai quật vào những năm 1960 nhưng việc thiếu các kỹ thuật xác định niên đại tiên tiến vào thời điểm đó khiến tầm quan trọng của địa điểm này vẫn bị che giấu.

Với ý nghĩa khảo cổ, Thác Kalambo đang được xem xét đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Nghiên cứu này, như một phần của dự án tiên phong “Nguồn gốc sâu xa của nhân loại”, nhằm tìm hiểu sự phát triển của công nghệ chế tác của con người trong thời kỳ đồ đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn