MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh khu mộ nằm trong một núi đá lớn ở bờ phía tây sông Nile, Ai Cập. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Phát hiện kinh ngạc 250 ngôi mộ khoét đá cổ 4.000 năm ở Ai Cập

Bảo Châu LDO | 20/05/2021 09:12
Hàng trăm ngôi mộ được tạc vào núi đá có niên đại hơn 4.000 năm đã được các nhà khảo cổ ở Ai Cập tình cờ phát hiện.

Theo tạp chí Smithsonian, tổng cộng 250 ngôi mộ đã được phát hiện trong một cuộc khảo sát khảo cổ định kỳ ở nghĩa địa Al-Hamidiyah gần thành phố Sohag, trên bờ Tây sông Nile, Ai Cập.

Theo các nhà nghiên cứu, khu mộ đã được sử dụng trong khoảng thời gian 2.000 năm (năm 2200 đến năm 30 trước Công nguyên), bắt đầu từ thời kỳ vương quốc cổ, khi các Đại kim tự tháp Giza được xây dựng.

Các ngôi mộ có nhiều hình dạng và được tạc vào núi đá ở nhiều cấp độ khác nhau. Một trong số đó có những cánh cửa giả khắc chữ tượng hình vẫn còn nguyên vẹn và hình trang trí cảnh người đưa tang làm nghi lễ cúng thần cho người đã khuất. Ước tính niên đại của những ngôi mộ này vào khoảng cuối Vương triều thứ sáu của Ai Cập (năm 2345 đến năm 2181 trước Công nguyên).

Hình khắc trên cánh cửa giả được tìm thấy trong một ngôi mộ. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Ông Mustafa Waziri - Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập - cho biết, một số ngôi mộ có chứa một hoặc nhiều hố chôn cất trong khi những mộ khác được xây thêm một đường hầm dẫn đến gian chứa hài cốt.

Trong một ngôi mộ có niên đại hơn 4.000 năm, vào thời kỳ suy tàn của vương quốc cổ, người ta phát hiện lối đi thông dẫn đến một hành lang bắt chéo với đường dốc ở phía đông nam trước khi tới một gian chôn cất nhỏ.

Theo ông Waziri, lối thông này đã được tái sử dụng nhiều lần trong nhiều thế kỷ.

Ngôi mộ với lối thông dẫn đến gian chôn cất. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Công cuộc khai quật cũng phát hiện ra nhiều xương người và xương động vật, cũng như vô số đồ gốm và mảnh vỡ, một số trong số đó là đồ gia dụng và những món đồ khác dành riêng cho nghi lễ an táng.

Người ta cũng phát hiện ra những chiếc bình nhỏ bằng thạch cao, tàn tích của một chiếc gương kim loại tròn và đồ gốm cúng tế, đó là những chiếc bình nhỏ hình cầu tượng trưng cho người đã khuất.

Vật dụng bằng gốm hình cầu tượng trưng cho người đã khuất. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Các nhà khảo cổ tin rằng, những lăng mộ được sử dụng bởi giai cấp thống trị tại tỉnh thứ chín của Thượng Ai Cập, nơi có vị trí trọng yếu nằm giữa Aswan và thủ đô Memphis thời Ai Cập cổ đại.

Nhà Ai Cập học Bassam al-Shamaa cho rằng, trong khi các ngôi mộ dành cho hoàng gia có kích thước lớn, các ngôi mộ có kích thước nhỏ hơn có thể đã được phân bổ cho những người bình thường.

Khu mộ chịu nhiều ảnh hưởng bởi nằm gần Abidos - trung tâm thờ thần Ozir (sau này là Osiris) - và Akhmim - nơi thờ Min, một vị thần sinh sản nam tính được tôn là Chúa tể của sa mạc phía đông.

Ông Waziri cũng cho biết, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận hơn 300 ngôi mộ trong khu vực, trải dài từ al-Kharandariyah ở phía bắc đến Nag al-Sheikhs ở phía nam, và dự kiến ​​sẽ còn nhiều ngôi mộ hơn nữa được phát hiện ở các tầng khác nhau của núi đá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn