MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ phun trào được cho là mắt xích còn thiếu giúp giải mã cơ chế gây ra tất cả các vụ phun trào khác trên Mặt trời. Ảnh: NASA

Phát hiện mắt xích còn thiếu giúp giải mã bí ẩn lâu nay về Mặt trời

Bảo Châu LDO | 10/06/2021 15:03
Mộ vụ nổ lớn giúp các nhà khoa học có khám phá mới về nguyên nhân các vụ phun trào mạnh trên Mặt trời.

Theo một tuyên bố từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hồi tháng 3.2016, các nhà khoa học đã sử dụng Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA và Đài quan sát Mặt trời và Nhật quyển - một sứ mệnh chung của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) - để quan sát một vụ nổ mạnh trên Mặt trời.

Sự kiện này cho thấy đặc điểm của 3 loại phun trào Mặt trời khác nhau thường xảy ra riêng rẽ, nhưng duy nhất lần này lại xảy ra cùng lúc.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đang điều tra các vụ nổ mặt trời cho rằng, hiện tượng các sự kiện phun trào xảy ra cùng lúc một cách kỳ lạ này có thể tiết lộ nguyên nhân gây ra mọi loại phun trào mặt trời.

Emily Mason - tác giả chính của nghiên cứu mới và là nhà khoa học năng lượng Mặt trời tại Trung tâm bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland - cho biết: “Sự kiện này là một mắt xích còn thiếu, nơi chúng ta có thể thấy tất cả khía cạnh của các loại phun trào khác nhau gói gọn trong một lần duy nhất... Nó dẫn đến quan điểm rằng những vụ phun trào này được gây ra bởi cùng một cơ chế, chỉ khác nhau ở quy mô".

Thông thường, có 3 loại phun trào khác nhau có thể xảy ra trên Mặt trời, trong đó có phun trào nhật hoa (CME), phun tia và phun trào một phần. CME và phun tia là các tia plasma, bức xạ và hạt năng lượng sẽ được giải phóng ra ngoài không gian. Các vụ phun trào tia được phóng ra dưới dạng các chùm nhỏ hạt năng lượng trong khi CME tạo ra các bong bóng vật chất khổng lồ bị từ trường Mặt trời đẩy ra. Không giống như hai loại này, các vụ phun trào một phần bắt nguồn từ bề mặt của Mặt trời nhưng vật chất không đi hết vào không gian mà được rơi trở lại Mặt trời.

Trong vụ phun trào tháng 3.2016, các nhà khoa học đã quan sát thấy vật chất nóng của Mặt trời phun ra từ vùng "hoạt động từ tính" trên bề mặt Mặt trời, theo tuyên bố của NASA. Vụ phun trào này quá lớn để được coi là một vụ phun tia nhưng không đủ lớn để được phân loại CME và ngay sau vụ phun trào, các vật chất ngoài bề mặt trở nên nguội hơn bắt đầu nổ tung trước khi rơi trở lại Mặt trời.

Sự kiện này dường như có đặc điểm của cả ba loại phun trào mặt trời khác nhau, vì vậy các nhà khoa học cho rằng chúng đều có thể được gây ra bởi cùng một hiện tượng và do đó, bằng cách tìm ra cơ chế đằng sau sự kiện này, họ có thể giải đáp nguồn gốc của tất cả vụ phun trào Mặt trời.

Đây là lý do các nhà khoa học gọi sự kiện này là vụ phun trào "Đá Rosetta" nhằm ám chỉ đến đá Rosetta - một phiến đá được viết bằng 3 loại chữ tượng hình gồm chữ Ai Cập cổ đại, ký tự Demotic và chữ Hy Lạp cổ đại, giúp các học giả về sau này giải mã được chữ tượng hình cổ đại.

Sau những quan sát về vụ phun trào đặc biệt, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về hoạt động phun trào Mặt trời và các hiện tượng khác tương tự, mô hình hóa chúng để tìm ra cơ chế đằng sau và tác nhân gây ra.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với con người trên Trái đất, bởi CME giải phóng một lượng lớn bức xạ điện từ và có thể gây tác động không nhỏ, làm nhiễu các lưới điện trên Trái đất và thậm chí gây nguy hiểm cho các phi hành gia và công nghệ vũ trụ.

Vì vậy, bằng cách hiểu rõ hơn về cơ chế đằng sau các vụ phun trào Mặt trời, các nhà khoa học hy vọng rằng có thể dự đoán tốt hơn và ngăn chặn thiệt hại từ CME.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn