MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ họa mô phỏng thiên hà Galaxy DLA0817g hay Wolfe Disk. Ảnh: CNN.

Phát hiện mới về 1 thiên hà cổ xưa từ thuở vũ trụ sơ khai

Lê Thanh Hà LDO | 23/05/2020 21:05
Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một thiên hà hình đĩa khổng lồ được hình thành từ khoảng 12,5 tỉ năm trước.

Theo Space, thiên hà mới được phát hiện có tên là Galaxy DLA0817g, tuy nhiên, các nhà khoa học gọi nó là đĩa Wolfe (Wolf Disk) - theo tên của nhà thiên văn học quá cố Arthur M. Wolfe - cựu cố vấn cho ba trong số bốn tác giả của nghiên cứu này.

Nghiên cứu mới được các nhà khoa học công bố trên tạp chí Nature cho biết, Galaxy DLA0817g được hình thành từ khoảng 12,5 tỉ năm trước, nặng gấp 70 tỉ lần mặt trời và đang quay với tốc độ lên tới 272 km mỗi giây, tương tự như dải ngân hà (Milky Way) - nơi chứa hệ mặt trời của chúng ta.

Galaxy DLA0817g là thiên hà đĩa quay xa nhất từng quan sát được từ đài thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới Atacama Large Millimiter/submillimeter Array (ALMA) ở Chile. Nó được cho là hình thành từ thuở sơ khai của vũ trụ.

Thông thường, các thiên hà hình thành trong khoảng 6 tỉ năm sau khi vụ nổ Big Bang (giả thuyết được đưa ra về khởi nguồn khai sinh của vũ trụ) xảy ra. Tuy nhiên, với "tuổi đời" được này, Galaxy DLA0817g đã hình thành từ khá sớm.

Ảnh chụp thiên hà Wolfe Disk từ bộ ba kính viễn vọng ALMA, Hubble và VLA. Ảnh: Phys.

"Galaxy DLA0817g tồn tại từ khoảng 1,5 tỉ năm sau vụ nổ Big Bang, có thể xác định được chắc chắn điều này với sự trợ giúp của ALMA", trưởng nhóm nghiên cứu Marcel Neeleman từ Viện thiên văn học Max Planck ở Heidelberg (Đức) cho biết.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà một thiên hà đồ sộ như vậy có thể hình thành nhanh và sớm như vậy trong vũ trụ?

Thời kì đầu sau vụ nổ Big Bang, vũ trụ gần như là 1 khoảng không trống rỗng. Thông thường, các thiên hà cổ xưa mà chúng ta tìm thấy trong vũ trụ đều hình thành sau những vụ sáp nhập dữ dội giữa những vật chất nhỏ và khối khí nóng.

Theo thời gian, khối khí nóng rơi vào khu vực trung tâm của thiên hà, sau đó nó nguội đi và ngưng tụ lại. Quá trình này diễn ra tương đối chậm và mất khá nhiều thời gian. Hầu hết các thiên hà hình đĩa, giống như dải ngân hà của chúng ta cũng hình thành theo cách này. 

Đối với Galaxy DLA0817g, các nhà nghiên cứu cho rằng thiên hà có thể đã được hình thành bởi một quá trình được gọi là "bồi tụ lạnh". Khả năng cao khối khí rơi vào trung tâm thiên hà thực sự rất lạnh, do đó, không cần nhiều thời gian để hạ nhiệt và ngưng tụ nhanh hơn. 

"Kết quả của phát hiện mới đã cung cấp những tư liệu giá trị về cách các thiên hà hình thành", Viện thiên văn học Max Planck tuyên bố.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý phát hiện này được dựa trên một thiên hà duy nhất, do đó, sẽ cần nhiều quan sát tương tự hơn để củng cố giả thuyết này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn