MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 600 cổ vật được tìm thấy trong xác tàu cổ Trung Quốc Yangtze River Estuary No.2. Ảnh: Xinhua

Phát hiện ngỡ ngàng khi trục vớt xác tàu cổ lớn nhất Trung Quốc

Song Minh LDO | 14/09/2022 11:40
Hơn 600 cổ vật đã được tìm thấy trong quá trình trục vớt xác tàu cổ lớn nhất Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, hơn 600 cổ vật đã được tiết lộ hôm 13.9 trong quá trình trục vớt Yangtze River Estuary No.2 - xác tàu gỗ cổ đại lớn nhất và được bảo quản tốt nhất của Trung Quốc.

Giới chuyên gia cho rằng, việc phát hiện các cổ vật cho thấy sự giao lưu văn hóa thường xuyên giữa Trung Quốc và phương Tây. Dự kiến sẽ có nhiều khám phá hơn nữa sau khi con tàu được khai quật hoàn toàn.

Những cổ vật đồ gốm đều trong tình trạng tốt, được cho là chủ yếu để trao đổi hàng hóa trong những ngày đầu khi Thượng Hải - nơi Yangtze River Estuary No.2 được tìm thấy - là một cảng mở và là nơi khởi nguồn của Con đường Tơ lụa trên biển lịch sử.

Hơn 600 cổ vật được phát hiện trong quá trình trục vớt tàu đắm Yangtze River Estuary No.2. Ảnh: Xinhua

Là một cột mốc quan trọng trong ngành khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc, Yangtze River Estuary No.2 là một thuyền buồm bằng gỗ từ thời trị vì của Hoàng đế Đồng Trị đời nhà Thanh (1644-1911). Con tàu đắm có chiều dài khoảng 38,5 mét và rộng 7,8 mét, có 31 khoang. Con tàu đang "ngủ yên" dưới vùng biển phía đông bắc đảo Hoành Sa của Thượng Hải, với thân tàu bị chôn vùi 5,5 mét dưới đáy biển.

Theo ông Liu Zheng, Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, các cổ vật được tìm thấy cho thấy sự giao lưu văn hóa thường xuyên giữa Trung Quốc với phương Tây. Chẳng hạn, đồ sứ men xanh quý hiếm sản xuất tại thủ phủ đồ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, được lấy cảm hứng từ kỹ thuật làm đồ sứ Châu Âu.

Đồ sứ men xanh Trung Quốc được lấy cảm hứng từ kỹ thuật làm đồ sứ Châu Âu. Ảnh: Xinhua

Ông cho biết sẽ còn nhiều cổ vật thú vị nữa sau khi con tàu đắm được khai quật hoàn toàn, đặc biệt là một số vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Không giống như con tàu Nanhai No.1 từ thời nhà Tống (960-1279) được phát hiện cách đây 35 năm, con tàu thời nhà Thanh "trẻ hơn" là bằng chứng của nền văn hóa Con đường Tơ lụa trên biển phát triển lâu đời ở Trung Quốc trải qua các thời kỳ khác nhau.

Hồi đầu tháng 3, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia và chính quyền thành phố Thượng Hải đã phối hợp công bố chính thức khởi động dự án bảo vệ di tích Yangtze River Estuary No.2. Là dự án khảo cổ học dưới nước lớn ở Trung Quốc, dự án này đã được liệt kê trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về bảo vệ di tích văn hóa và đổi mới khoa học công nghệ.

Dự án Yangtze River Estuary No.2 được khởi động từ tháng 3.2022. Ảnh: ECNS

Dự án áp dụng công nghệ đầu tiên trên thế giới sử dụng chùm tia hồ quang để trục vớt con tàu cổ. Toàn bộ hoạt động ngoài khơi dự kiến ​​sẽ mất từ ​​hai đến ba tháng.

Zhao Dongsheng - phó giáo sư khảo cổ học tại trường lịch sử Đại học Nam Kinh - cho biết, công nghệ đặc biệt của khảo cổ học dưới nước đã trở nên hoàn thiện và có thể áp dụng cho toàn bộ quá trình trục vớt này. Việc thành lập một phòng thí nghiệm khảo cổ học ảo dưới nước, mua các thiết bị cần thiết và đào tạo thêm chuyên gia sẽ là hướng đi tiếp theo của khảo cổ học dưới nước của Trung Quốc.

Dự án Yangtze River Estuary No.2 dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm nay. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc sẽ tiến hành công việc nghiên cứu tiếp theo, và một bảo tàng về các con tàu cổ sẽ được xây dựng tại địa điểm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn