MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khảo cổ xác định vị trí trũng được đánh đấu là vị trí những ngôi nhà của người tiền sử. Ảnh: Freie Universitat Berlin

Phát hiện pháo đài lâu đời nhất thế giới ở Siberia

Thanh Hà LDO | 10/12/2023 14:28

Đồng cỏ nằm giữa dải cây rậm rạp dọc theo bờ sông ở Siberia từng là khu định cư nhộn nhịp, nơi có pháo đài lâu đời nhất thế giới, tồn tại khoảng 8.000 năm trước.

Nghiên cứu xác định pháo đài lâu đời nhất thế giới ở Siberia được công bố đầu tháng 12 trên tạp chí Antiquity.

Được biết, các nhà khảo cổ đã khám phá di chỉ Amnya trong nhiều thập kỷ. Địa điểm khảo cổ này vốn được xác định là pháo đài thời kỳ đồ đá xa nhất ở cực bắc tại lục địa Âu Á.

Các cuộc khai quật trước đây đã tìm thấy dấu tích của nhà cửa có trang bị lò sưởi ở trung tâm cùng những vết tích của đồ gốm.

Năm 2019, một nhóm chuyên gia bắt đầu đợt khai quật tại di chỉ này, theo bản tin của Freie Universitat Berlin. Từ đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, địa điểm này cũng là nơi có pháo đài lâu đời nhất thế giới.

"Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy, những người săn bắn hái lượm ở Siberia đã xây dựng các công trình phòng thủ phức tạp quanh khu định cư của họ từ 8.000 năm trước.

Phát hiện này định hình lại hiểu biết của chúng ta về xã hội loài người sơ khai, thách thức những quan điểm cho rằng, chỉ khi nông nghiệp ra đời, con người mới bắt đầu xây dựng những khu định cư lâu dài với kiến trúc hoành tráng và phát triển các cấu trúc xã hội phức tạp" - bản tin của Freie Universitat Berlin nêu rõ.

Các nhà khảo cổ đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, qua đó xác nhận tuổi của di chỉ khảo cổ cùng các tàn tích ở đây.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc những người săn bắn hái lượm xây dựng các công trình phòng thủ đã được ghi nhận lẻ tẻ ở một số nơi trên thế giới, chủ yếu là ven biển.

Tuy nhiên, "việc hiện tượng này xuất hiện rất sớm ở nội địa phía tây Siberia là chưa từng có", các tác giả lưu ý.

Các nhà khảo cổ tại Freie Universitat Berlin chỉ ra, những bằng chứng tại di chỉ khảo cổ này cho thấy các cư dân cổ đại đã đánh bắt cá từ sông Amnya gần đó và sử dụng “những ngọn giáo có đầu bằng xương và đá” để săn nai sừng tấm, tuần lộc.

Những cư dân cổ đại cũng sử dụng “đồ gốm được trang trí cầu kỳ” để bảo quản dầu cá và thịt còn dư.

“Các cuộc kiểm tra địa tầng và cổ vật của chúng tôi cho thấy, cư dân ở Tây Siberia có lối sống phức tạp dựa trên nguồn tài nguyên dồi dào của môi trường taiga” - Tanja Schreiber, nhà khảo cổ học tại Viện Khảo cổ học Tiền sử ở Berlin, đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay.

Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết cho rằng, những khu định cư kiên cố nhìn ra sông có thể đóng vai trò là địa điểm chiến lược trong kiểm soát và khai thác các điểm đánh bắt cá.

Các nhà nghiên cứu lưu ý, trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, không có cạnh tranh và xung đột trong các xã hội săn bắt hái lượm và những công trình mang tính chất phòng thủ chỉ xuất hiện do xã hội nông nghiệp. Tuy nhiên, phát hiện mới cho thấy, một tốc độ phát triển, một cấu trúc xã hội khác biệt khác, của nền văn minh nhân loại cổ đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn