MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quả cầu đá bí ẩn trong lăng mộ cổ thời kỳ đồ đá mới ở Scotland. Ảnh: University of Central Lancashire

Phát hiện quả cầu đá bí ẩn trong lăng mộ cổ thời đồ đá 5.500 năm trước

Phương Linh LDO | 16/09/2021 15:37

Trong lăng mộ cổ thời kỳ đồ đá 5.500 trước ở đảo Sanday, Scotland, các nhà khảo cổ phát hiện 2 quả cầu bằng đá bí ẩn.

Live Science đưa tin, nhóm nghiên cứu của Đại học Central Lancashire, do nhà khảo cổ học Vicki Cummings dẫn đầu, phối hợp các đồng nghiệp khảo cổ từ Bảo tàng Quốc gia Scotland, đại diện là chuyên gia Hugo Anderson-Whymark, đã thực hiện các cuộc khai quật lăng mộ cổ thời kỳ đồ đá ở Tresness trên đảo Sanday, thuộc quần đảo Orkney phía bắc lục địa Scotland.

Quả cầu đá thứ 2 có màu nhạt hơn. Ảnh: University of Central Lancashire

Tại đây, các nhà khảo cổ đã bất ngờ tìm thấy hai quả cầu bằng đá - một quả cầu làm bằng đá đen, quả còn lại bằng đá vôi màu nhạt hơn. Cả hai đều được mài nhẵn, trơn tru và nằm ở hai ngăn riêng biệt của lăng mộ. Trong khi các vật thể khác, như mảnh gốm, cũng được tìm thấy dọc theo bức tường ngăn. Lăng mộ có chứa nhiều xương người được hỏa táng gần lối vào của 2 trong tổng số 5 ngăn chôn cất của lăng mộ.

 Các hiện vật được tìm thấy khi khai quật lăng mộ cổ. Ảnh: University of Central Lancashire

Trước đó, hàng trăm quả cầu bằng đá tương tự, kích thước bằng quả bóng chày cũng từng được tìm thấy ở các địa điểm khai quật thời kỳ đồ đá mới, chủ yếu ở Scotland và cả ở Anh, Ireland và Na Uy. Một số được chạm khắc công phu nhưng một số khác lại tròn và nhẵn như hai quả cầu trong phát hiện gần đây - một đặc điểm thường thấy ở đầu thời kỳ đồ đá mới, từ khoảng 5.500 năm trước.

Các nhà nghiên cứu ban đầu từng cho rằng các quả cầu được dùng làm vũ khí giống như đầu chùy. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khảo cổ học nghiêng về ý tưởng chúng được tạo ra cho mục đích nghệ thuật, có lẽ để biểu thị trạng thái của một người trong cộng đồng hay một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời họ.

Lăng mộ cổ trên quần đảo Orkney. Ảnh: University of Central Lancashire 

Quần đảo Orkney nằm ở ngoài khơi mũi cực bắc lục địa Scotland. Nơi đây có các địa điểm khảo cổ nằm rải rác, bao gồm một Di sản Thế giới của UNESCO được gọi là ''Trái tim của Orkney thời đồ đá mới'' cùng với tổ hợp các công trình đồ đá đồ sộ mang tên Ness of Brodgar và ngôi làng thời đồ đá mới tại Skara Brae. Điều này chỉ ra các hòn đảo là địa điểm cư trú thuận lợi tại thời điểm 5.000 năm trước.

Quá trình khai quật lăng mộ cổ. Ảnh: University of Central Lancashire 
 Khu vực bờ biền gần lăng mộ. Ảnh: University of Central Lancashire

Do lăng mộ cổ nằm ở vị trí gần bờ biển và dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, nên các nhà nghiên cứu đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và phân tích dữ liệu trước khi nơi này bị hư hại hoàn toàn. Một loạt các kỹ thuật khảo cổ tiên tiến đã được áp dụng, trong đó có việc tạo ra mô hình quan trắc 3 chiều của lăng mộ.

Các nhà nghiên cứu hy vọng qua đó sẽ tìm hiểu thêm được nhiều thông tin về các cư dân thời kỳ đồ đá mới trên quần đảo Orkney.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn