MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cơ sở của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Ảnh: Xinhua

Phát hiện sốc về khí đốt Nga giá rẻ ở châu Âu

Khánh Minh LDO | 16/03/2024 21:09

Khí đốt Nga ở châu Âu được cho là không hề rẻ.

EU đã tuyên bố sẽ từ bỏ khí đốt Nga, nhưng nhiều người cho rằng châu Âu sẽ buộc phải quay trở lại với Nga vì khối này cần khí đốt giá rẻ của Nga để khôi phục kinh tế và ngăn chặn quá trình phi công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, khí đốt Nga “giá rẻ” thực chất chỉ là một “huyền thoại”. Nó dựa trên sự hiểu lầm cơ bản về cách thức hoạt động của thị trường khí đốt châu Âu. Nói một cách đơn giản, giá khí đốt của Nga chưa bao giờ rẻ.

Chắc chắn, Nga có nguồn khí đốt dồi dào với chi phí thấp mà về mặt lý thuyết có thể được cung cấp với giá rẻ tới châu Âu. Nhưng Nga chưa bao giờ bán khí đốt theo giá gốc - cũng như việc bán dầu ở Trung Đông theo giá gốc. Nga bán khí đốt một cách cạnh tranh nhưng không hề rẻ - Financial Times viết.

Từ những năm 1970 cho đến những năm 2000, Liên Xô và sau đó là Nga đã định giá khí đốt để thay thế đối thủ cạnh tranh - dầu đốt (fuel oil) trong công nghiệp và dầu sưởi để sưởi ấm trong gia đình. Vì vậy, giá khí đốt được ấn định theo tỉ lệ phần trăm của giá các sản phẩm dầu này.

Nếu giá các sản phẩm dầu cao, giá khí đốt sẽ tăng và Nga sẽ thu được lợi nhuận lớn. Nếu giá dầu thấp, giá khí đốt cũng sẽ giảm, nhưng vẫn đảm bảo trên mức chi phí bỏ ra và do đó vẫn có lãi. Các nguồn cung khác được bán ở châu Âu - dù là từ Algeria, Hà Lan hay Na Uy - đều sử dụng cơ chế tương tự.

Mặc dù vậy, đây cũng không phải là một thỏa thuận tồi đối với châu Âu. Bằng cách định giá thấp hơn nhiên liệu cạnh tranh, người châu Âu đã tự tin đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt, và khí đốt có thể thâm nhập sâu vào hầu hết hệ thống sưởi dân dụng và phần lớn nguồn cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp. Dầu (nhưng không phải than rẻ hơn) cũng bị gạt ra ngoài lề trong sản xuất điện.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 20.7.2022 về việc “tiết kiệm khí đốt vì một mùa đông an toàn“. Ảnh: Xinhua

Vào cuối những năm 1990, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Châu Âu muốn có một thị trường khí đốt. Điều đó có nghĩa là chuyển từ định giá theo dầu mỏ sang thiết lập giá thị trường cho khí đốt tại các trung tâm và sàn giao dịch. Mục tiêu là hướng đến mức giá thấp hơn.

Lúc đầu, Nga kiên quyết phản đối. Nhưng dưới áp lực từ các quy định cạnh tranh của châu Âu, các hợp đồng dần dần được điều chỉnh để bao gồm các mức giá chuẩn. Điều này không có nghĩa là khí đốt Nga được bán với giá rẻ; nó được bán trên cơ sở tương tự như tất cả các loại khí khác.

Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu hiện nay có giảm nhưng chưa hoàn toàn giảm. Nhập khẩu khí đốt qua đường ống vào EU trong năm 2023 đã giảm 84% so với năm 2021, trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraina.

Châu Âu đang thoát khỏi mùa đông thứ hai của cuộc khủng hoảng khí đốt với lượng dự trữ ở mức cao theo mùa. Giá khí đốt chuẩn đã quay trở lại mức quen thuộc. Italy, nước vẫn mua khí đốt qua đường ống của Nga vào năm 2023, đã tuyên bố cuối cùng sẽ "bỏ thói quen" vào năm 2024 khi có nhiều khí đốt qua đường ống của Algeria và khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu.

Phản ứng của Nga trước việc mất đi các thị trường truyền thống ở phương Tây là tìm cách mở rộng việc bán khí đốt sang phương Đông. Các cuộc đàm phán song phương đang được tiến hành giữa Nga và Trung Quốc về một đường ống dẫn khí khổng lồ nối các mỏ khí đốt chi phí thấp của Nga ở phía tây Siberia tới các trung tâm cần khí đốt xung quanh Bắc Kinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn