MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khảo cổ đã sử dụng radar và các phương pháp khác để tìm ra công trình ngầm gần các kim tự tháp và nghĩa trang ở Giza, Ai Cập. Ảnh chụp màn hình Insider

Phát hiện sửng sốt về công trình bí mật dưới chân đại kim tự tháp Ai Cập

Thanh Hà LDO | 01/06/2024 12:00

Các nhà khảo cổ Ai Cập đã phát hiện ra những công trình kiến ​​trúc bí mật khu vực dưới chân Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập bằng phương pháp công nghệ cao xuyên lòng đất.

Nghĩa trang phía Tây Giza chứa hàng trăm mộ cổ hình chữ nhật được gọi là mastaba nằm dọc theo chân Đại kim tự tháp Giza. Những mastaba này thuộc về những công dân ưu tú của Ai Cập cổ đại và họ hàng của pharaoh Khufu, người trị vì khoảng 4.500 năm trước.

Tuy nhiên, trái ngược với khu vực có nhiều dãy mộ, có một khu vực nghĩa trang trống, không có công trình kiến trúc. Bí mật bên dưới lớp cát này đã được các nhà khảo cổ học phát hiện ra gần đây.

Bề mặt cát phẳng có thể đã phủ kín những công trình kiến ​​trúc bị lãng quên từ lâu được xây dựng từ hàng nghìn năm trước. Chỉ cách bề mặt vài mét là một cấu trúc hình chữ L. Sâu hơn nữa, có một cấu trúc khác lớn hơn được kết nối với cấu trúc đầu tiên.

Nhà nghiên cứu Motoyuki Sato - thành viên của nhóm phát hiện bí mật dưới chân Đại kim tự tháp ở Giza - chia sẻ với Live Science, các góc của cấu trúc hình chữ L “quá sắc nét” để có thể có nguồn gốc tự nhiên.

Điều này cho thấy người Ai Cập cổ đại đã xây dựng cấu trúc này đồng thời giúp lý giải tại sao một khu nghĩa trang đông đúc như vậy lại có một khu vực trống bất thường.

Phát hiện mới đã được các nhà nghiên cứu Đại học Quốc tế Higashi Nippon, Đại học Tohoku và Viện Nghiên cứu Thiên văn và Địa vật lý Quốc gia ở Ai Cập nêu trong bài báo đăng trên tạp chí Archaeological Prospection.

Theo các nhà nghiên cứu, cả 2 cấu trúc có thể là tàn tích của mộ cổ. Tuy nhiên, phát hiện này vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Từ năm 2021 đến năm 2023, nhóm đã nghiên cứu khu đất trống ở Nghĩa trang phía Tây Giza bằng cách sử dụng 2 phương pháp công nghệ cao: Radar xuyên mặt đất (GPR) và thăm dò điện chiếu trường (ERT).

GPR sử dụng sóng điện từ để lập bản đồ các đặc điểm nông dưới lòng đất ở độ phân giải cao. Với các cấu trúc sâu hơn, ERT có thể xác định vị trí các bức tường, trục và các điểm bất thường tương tự nhưng không có nhiều chi tiết.

Kết hợp dữ liệu GPR, ERT và vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một cấu trúc hình chữ L có kích thước khoảng 10x15 m được chôn sâu từ 0,5 đến 2m dưới cát. Các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng về một cấu trúc rộng 1.000 m2 cách mặt đất khoảng 3,5-10m, sâu hơn khối hình chữ L.

Có những địa điểm cấu trúc dạng chữ L nông hơn được lấp đầy bằng cát. Đây có thể là manh mối cho mục đích của cấu trúc này.

Theo các nhà nghiên cứu, cấu trúc này có thể đóng vai trò như một kiểu lối đi dẫn đến một ngôi mộ thấp hơn. Người Ai Cập cổ đại thường lấp những đường hầm như vậy để ngăn cách với thế giới của người sống.

Dù GPR và ERT có thể đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về những phát hiện khảo cổ học sâu bên dưới bề mặt đất nhưng những bí ẩn khác vẫn còn đó. Các nhà khảo cổ không biết bên trong cấu trúc sâu hơn là gì, có thể có cát lấp đầy hoặc hoàn toàn trống rỗng.

Hiện các nhà khảo cổ đang khai quật địa điểm này để giải đáp những câu hỏi còn bỏ ngỏ, theo Live Science.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn