MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện sửng sốt về thủ đô cổ Karakorum của Đế chế Mông Cổ

Nguyễn Hạnh LDO | 04/11/2021 11:19
Thủ đô Karakorum của Đế chế Mông Cổ thực sự lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây, theo các nhà khảo cổ học - những người lập bản đồ đầu tiên của thành phố cổ đại.

Theo Daily Mail, thủ đô Karakorum được Oa Khoát Đài - con trai của Thành Cát Tư Hãn - thành lập vào thế kỷ 13. Phạm vi của nó gần đây mới được hé lộ nhờ các chuyên gia từ Đại học Bonn (Đức).

Họ lập bản đồ đường sá, khu vực lân cận và chi tiết của thành phố cổ mà không cần đào bới cảnh quan xung quanh. Phát hiện mới đã giúp các nhà sử học có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì từng xảy ra với thủ đô của đế chế vĩ đại này. 

Giáo sư Jan Bemmann - trưởng nhóm nghiên cứu - phát hiện, diện tích thành phố không chỉ nằm gói gọn trong những bức tường thành còn sót lại, mà còn vượt xa ra bên ngoài. Việc xây dựng hầu hết hoàn thành dưới thời trị vị của Khả hãn Mông Kha.

William of Rubruck - một tu sĩ dòng Francisco, người từng là phái viên của Vua Louis IX và đến thăm thành phố vào thế kỷ 13 - mô tả nó là một "thành phố khép kín với bốn cổng".

William of Rubruck viết, thành phố phát triển mạnh và là nhà của các nghệ nhân Trung Quốc, thương nhân Hồi giáo và tù nhân bị bắt từ khắp nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, nó rơi vào tình trạng vô chủ vào thế kỷ 15 - chỉ 200 năm sau khi được thành lập, do Đế chế Mông Cổ chia thành các thực thể riêng biệt.

Phạm vi của nó gần đây mới được hé lộ nhờ các chuyên gia từ Đại học Bonn (Đức). Ảnh: Đại học Bonn

Mặc dù thành phố không bao giờ bị lãng quên và tồn tại trong sử sách, nhưng vị trí chính xác của nó vẫn chưa được biết cho đến khi một đoàn thám hiểm năm 1889 tìm thấy nó một lần nữa. 

Giáo sư Bemmann cho biết: "Các cuộc khai quật hạn chế tại các địa điểm chính của thành phố và các bản đồ trước đó, đã tiết lộ những hiểu biết sâu sắc về trung tâm của khu vực thành phố có tường bao quanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ về cách bố trí bên trong và phạm vi thực tế của thành phố vượt ra ngoài diện tích có tường bao quanh, cũng như tổ chức xã hội của dân cư thành phố".

Để lấp đầy lỗ hổng kiến thức, họ khảo sát một khu đất rộng hơn 4,6km2 trong 52 ngày bằng một thiết bị được gọi là SQUID. Họ kết hợp dữ liệu SQUID với khảo sát thực địa, chụp ảnh từ trên không và phân tích các ghi chép lịch sử để xây dựng bản đồ của Karakorum. 

Bemmann chia sẻ: "Điều thú vị nhất trong công việc đối với tôi là được xem tiến độ thu thập dữ liệu. Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến ​​mức độ ngày càng tăng của bản đồ và cùng với đó là việc tái tạo kỹ thuật số của Karakorum".

"Mỗi ngày, với mỗi phần mới của thành phố được thêm vào bản đồ, sự hiểu biết của chúng tôi về thành phố ngày càng tăng lên", Bemmann nói.

Theo nghiên cứu, thành phố không có giới hạn rõ ràng. Bên trong các bức tường, các khu dân cư có thiết kế xây dựng khác nhau, không có tầm nhìn tổng thể nhất quán. Ở giữa thành phố, có nhiều trầm tích dày đặc hơn, điều này cho thấy một số khu vực đã bị chiếm đóng lâu hơn.

Tuy nhiên, thành phố vẫn này khá trống với khoảng 40% diện tích bên trong các bức tường bị để trống. Chứng tỏ, cư dân nơi đây có nguồn gốc chủ yếu là người du mục. Họ không lưu lại thành phố một thời gian dài, vì vậy không cần phải xây dựng các khu dân cư lâu dài, các nhà nghiên cứu giải thích.

Ngay cả Oa Khoát Đài và Mông Kha cũng chỉ ở thành phố một thời gian ngắn mỗi năm, dù họ đã xây dựng cung điện và các ngôi nhà kiên cố lâu dài. Những người lao động và thợ thủ công có thể là cư dân thường trú duy nhất của thành phố.

Theo các nhà nghiên cứu, điểm đặc biệt của thành phố này nằm ở chỗ, nó không có một kiến trúc cố định và những cư dân lâu dài là những người được đưa từ nước ngoài vào. Mặc dù được giai cấp thống trị tạo ra, nhưng nó tách rời khỏi họ và xã hội Mông Cổ rộng lớn hơn. Nó được sử dụng để thăm viếng thay vì chiếm đóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn