MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiểu hành tinh (bên trên) và sao Thủy (bên dưới). Ảnh: CTIO/NOIRLab

Phát hiện tiểu hành tinh quay nhanh nhất quanh Mặt trời

Thanh Hà LDO | 24/08/2021 08:40
Khoảng 10 ngày trước, tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời nhanh hơn bất kỳ tiểu hành tinh đã biết nào trong Thái Dương Hệ đã được phát hiện. 

Tiểu hành tinh 2021 PH27 hoàn thành một vòng quanh Mặt trời trong 113 ngày Trái đất. Đây là chu kỳ quỹ đạo ngắn nhất mà bất kỳ thiên thể nào đã biết trong Hệ Mặt trời đạt được, ngoại trừ sao Thủy chỉ cần 88 ngày để quay quanh Mặt trời.

Tuy nhiên, tiểu hành tinh 2021 PH27 di chuyển trên con đường hình elip hơn so với sao Thủy và do đó gần Mặt trời hơn đáng kể. Trong khi 2021 PH27 có lần tiếp cận gần Mặt trời nhất là khoảng 20 triệu km thì hành tinh nhỏ nhất và gần Mặt trời nhất trong 8 hành tinh thuộc Hệ Mặt trời tiếp cận gần nhất ở khoảng cách 47 triệu km. 

Tiểu hành tinh có chu kỳ quỹ đạo nhanh nhất Hệ Mặt trời vừa được các nhà thiên văn học phát hiện khoảng 10 ngày trước. Ảnh: CTIO/NOIRLab

Trong những lần đến gần Mặt trời, bề mặt của tiểu hành tinh 2021 PH27 đủ nóng để làm tan chảy chì - khoảng 500 độ C, nhóm nghiên cứu ước tính. Những lần tiếp cận sâu với trọng lực của Mặt trời cũng đồng nghĩa tiểu hành tinh này phải chịu tác động lớn nhất của thuyết tương đối rộng so với bất kỳ thiên thể nào đã biết trong Hệ Mặt trời. Những hiệu ứng này biểu hiện qua sự dao động nhẹ trong quỹ đạo hình elip của tiểu hành tinh 2021 PH27 quanh Mặt trời, theo quan sát của nhóm nghiên cứu. 

Đáng chú ý, theo các nhà khoa học, quỹ đạo không ổn định của 2021 PH27 có thể dẫn tới việc tiểu hành tinh này va chạm với Mặt trời, sao Thủy hoặc sao Kim trong vài triệu năm tới nếu không bị tương tác hấp dẫn đẩy trước ra khỏi quỹ đạo hiện tại. 

2021 PH27 được các nhà thiên văn học sử dụng Máy ảnh Năng lượng Tối (DEC), tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile phát hiện lần đầu tiên ngày 13.8. 

Tiểu hành tinh có chu kỳ quỹ đạo nhanh nhất trong Hệ Mặt trời ở bên trong quỹ đạo sao Thủy và có màu đỏ, xanh để hiển thị vị trí của tiểu hành tinh trong 2 thời điểm cách nhau chỉ 3 phút. Ảnh: CTIO/NOIRLab

Nhóm nghiên cứu có thể xác định quỹ đạo của tiểu hành tinh trong vài ngày tiếp theo nhờ các quan sát thêm của DEC và kính thiên văn Magellan tại Đài quan sát Las Campanas ở Chile, cũng như các kính thiên văn nhỏ hơn ở Chile và Nam Phi do Đài quan sát Las Cumbres vận hành. 

Trưởng nhóm khám phá Scott Sheppard, nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Carnegie ở Washington, DC, Mỹ, cùng các cộng sự ước tính tiểu hành tinh 2021 PH27 rộng khoảng 1km. Theo nhóm nghiên cứu, tiểu hành tinh này có thể có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, sau đó bị đẩy vào bên trong do tương tác hấp dẫn với một hoặc nhiều hành tinh. 

Đáng lưu ý, quỹ đạo của tiểu hành tinh 2021 PH27 nghiêng 32 độ so với mặt phẳng của hệ mặt trời. Độ nghiêng lớn như vậy cho thấy có khả năng tiểu hành tinh là một sao chổi đã tuyệt chủng được sinh ra phía ngoài hệ mặt trời nhưng bị kéo vào khi đi ngang qua sao Hỏa, Trái đất hoặc một hành tinh đá khác. 

Những quan sát sâu hơn có thể giúp giải quyết bí ẩn về tiểu hành tinh này. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học sẽ phải đợi vài tháng để thu thập thêm dữ liệu do 2021 PH27 đang di chuyển sau Mặt trời và không xuất hiện lại cho đến đầu năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn