MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trái đất. Ảnh: NASA

Phát hiện Trái đất đang gặp biến cố

Nguyễn Hạnh LDO | 29/09/2021 20:00
Các nhà khoa học phát hiện sự tan chảy của băng ở hai cực đang làm cong vênh lớp vỏ của Trái đất.

Theo Live Science, sự thay đổi hình dạng này là rất nhỏ, nhưng nó xảy ra cách các tảng băng hàng trăm kilomet. Các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sự thay đổi để hiểu hơn về việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến mực nước biển như thế nào.

Các nhà khoa học cho biết, khi băng biến mất, lớp vỏ bên dưới sẽ thay đổi. Lớp vỏ không còn phải chịu sức nặng của băng và từ từ bật lên. Đây được gọi là sự phục hồi đẳng tĩnh và nó diễn ra rất chậm. Ở một số vùng có vĩ độ cao, mặt đất vẫn đang phục hồi sau sự rút lui của các tảng băng trong thời kỳ cuối của kỷ băng hà cuối cùng. 

Hiện nay, các vùng cực đang mất băng với tốc độ ngày càng lớn do biến đổi khí hậu. Theo một bài báo xuất bản năm 2020 trên tạp chí The Cryosphere, từ năm 2000-2010, lượng băng mất đi từ Nam Cực, Greenland và các sông băng trên núi đã tăng 60% so với lượng băng mất đi từ năm 1990-2000. 

Sự tan chảy này đang ảnh hưởng đến hình dạng của lớp vỏ Trái đất, giống như việc mất băng vào cuối Kỷ Băng hà. Nhưng hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào những thay đổi của lớp vỏ ngay dưới và xung quanh các tảng băng. Ngay cả khi các nhà khoa học nghiên cứu các hiệu ứng xa hơn, họ vẫn tập trung vào những thay đổi theo chiều dọc của hình dạng lớp vỏ. Nhưng chuyển động của lớp vỏ sau khi mất băng là ba chiều, nghĩa là nó cũng dịch chuyển theo chiều ngang. 

Nhà nghiên cứu Sophie Coulson từ Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico (Mỹ) muốn có một cái nhìn toàn diện về tác động của việc mất băng trong thế kỷ 21. Cô và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu vệ tinh thu thập từ năm 2003-2018 để tìm kiếm những chuyển động nhỏ trong lớp vỏ, so sánh những thay đổi đó với sự mất băng ở Nam Cực, Greenland và các sông băng ở vĩ độ cao hàng năm. 

Họ phát hiện, trong nhiều trường hợp, chuyển động ngang của lớp vỏ vượt trội hơn chuyển động thẳng đứng (nâng lên). Sự chuyển động phụ thuộc rất nhiều vào lượng băng bị mất đi mỗi năm, nhưng trong cả những năm mất mát lớn và nhỏ, phần lớn Bắc Mỹ có tốc độ chuyển động ngang trung bình lớn hơn nhiều so với chuyển động thẳng đứng. 

Vào đầu những năm 2000, băng rút đi nhanh chóng khỏi bán đảo Nam Cực và khỏi tây Nam Cực, nhưng băng lại tăng ở đông Nam Cực. Sự được và mất này làm cho sự biến dạng chỉ giới hạn trong một khu vực tương đối nhỏ ở nam Thái Bình Dương. Bắc Bán cầu là một câu chuyện khác. Việc mất băng từ các vĩ độ phía bắc có liên quan đến chuyển động trung bình 0,4mm theo chiều ngang mỗi năm ở Bắc Bán cầu. Điều này bao gồm chuyển động lên đến 0,3mm ở Canada, Mỹ và lên đến 0,2mm ở Châu Âu, Scandinavia. 

Những con số đó có vẻ không đáng kể, nhưng chúng sẽ tăng dần theo thời gian. Và sự cong vênh này có thể ảnh hưởng ngược lại đến quá trình mất băng trong tương lai. 

Cô Coulson nói với Harvard Gazette: "Ở một số vùng của Nam Cực, sự phục hồi của lớp vỏ làm thay đổi độ dốc của lớp đá gốc dưới lớp băng và điều đó có thể ảnh hưởng đến động lực học của băng. Độ dốc lớn hơn có nghĩa là băng chảy nhanh hơn về phía biển".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn