MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vượn Gigantopithecus blacki có kích cỡ như King Kong thực thụ từng phân bố ở khu vực gần Việt Nam. Ảnh: Southern Cross University 

Phát hiện vượn khổng lồ như King Kong từng sống gần Việt Nam

Thanh Hà LDO | 11/01/2024 10:35

Gigantopithecus blacki - loài vượn khổng lồ, kích cỡ như King Kong - từng phân bố ở khu vực phía nam Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.

Con vượn Gigantopithecus blacki lớn nhất từng được ghi nhận cao gần 3m, nặng gần gấp đôi khỉ đột.

Sinh vật khổng lồ này - được nhiều người mệnh danh là "King Kong thực sự" - biến mất như thế nào là một trong những bí ẩn lớn nhất trong cổ sinh vật học.

Nhà cổ sinh vật học người Đức gốc Hà Lan G.H.R. von Koenigswald xác định được Gigantopithecus blacki khoảng một thế kỷ trước từ những chiếc răng lớn được bán làm “xương rồng” tại một hiệu thuốc ở Hong Kong (Trung Quốc).

Khoảng 2.000 chiếc răng hóa thạch và 4 xương hàm của loài Gigantopithecus blacki đã tuyệt chủng này được khai quật trong các hang động ở phía nam Trung Quốc.

Hiện nay, nghiên cứu mới về những hóa thạch quý hiếm này cùng các hang động mà chúng được phát hiện đã làm sáng tỏ hơn nữa về nguyên nhân tuyệt chủng của Gigantopithecus blacki.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 10.1 trên tạp chí Nature, các tác giả tin rằng, sinh vật khổng lồ này đã tuyệt chủng từ 295.000 đến 215.000 năm trước, khi khí hậu chuyển hướng sang theo mùa hơn và các loài linh trưởng ăn thực vật phải vật lộn để thích nghi với sự thay đổi của thảm thực vật.

Trước khi tuyệt chủng do biến đổi khí hậu, quần thể Gigantopithecus blacki đã phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ khoảng 2 triệu năm trước, chủ yếu ăn trái cây.

Trong gần 1 thập kỷ, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc và Australia đã lấy mẫu trầm tích từ 22 hang động trên một khu vực rộng lớn ở vùng Quảng Tây, phía nam Trung Quốc, giáp biên giới với Việt Nam. Một nửa số hang động được khảo sát có chứa hóa thạch của Gigantopithecus.

Trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học không tìm được hóa thạch nào của Gigantopithecus từ cổ trở xuống. Do thiếu các hóa thạch không thuộc hộp sọ nên khó để biết chính xác diện mạo Gigantopithecus như thế nào. Tuy nhiên, răng hàm trên của sinh vật này lớn hơn khỉ đột 57,8% và răng hàm dưới lớn hơn 33%, cho thấy trọng lượng cơ thể của Gigantopithecus là từ 200 đến 300 kg.

Kích thước khổng lồ của loài vượn Gigantopithecus cho thấy rất có thể sinh vật này sống trên mặt đất, đi lại bằng nắm đấm. Một phân tích vào tháng 11.2019 về các protein được tìm thấy trong hóa thạch Gigantopithecus cho thấy họ hàng gần nhất còn sống của sinh vật khổng lồ này là đười ươi Bornean.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn