MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện xác ướp Ai Cập 2.000 năm tuổi đặc biệt chưa từng thấy

Khánh Minh LDO | 03/02/2021 11:02
Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một xác ướp Ai Cập đặc biệt chưa từng thấy, được chôn với chiếc lưỡi mạ vàng.

Hai thiên niên kỷ trước, những người Ai Cập cổ đại được an nghỉ trong Đền Taposiris Magna bên ngoài Alexandria. Nội tạng của họ bị loại bỏ, và cơ thể của họ được bọc bằng vải lanh.

Xác ướp 2.000 năm tuổi có lưỡi vàng. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Tuy nhiên, theo tờ Business Insider, một xác ướp đã được trao cho một vinh dự lớn: Các linh mục và những người ướp xác đã đặt một chiếc bùa bằng vàng hình lưỡi vào miệng để người chết có thể nói chuyện với các vị thần như Osiris ở thế giới bên kia.

Xác ướp lưỡi vàng nằm trong số vô số những xác ướp gần đây được phát hiện ở Alexandria - Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho hay.

Nhóm khai quật gồm các nhà khảo cổ Ai Cập và Dominica đã tìm thấy 16 trục chôn cất được chạm khắc từ đá dưới ngôi đền.

Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết, các xác ướp bên trong "trong tình trạng bảo quản kém", đồng thời cho biết thêm rằng, đây là đặc điểm của quá trình ướp xác trong thời Hy Lạp và La Mã.

Xác ướp với chiếc lưỡi mạ vàng không phải là xác ướp đặc biệt duy nhất của phát hiện gần đây.

Theo nhà khảo cổ học người Dominica Kathleen Martínez, người dẫn đầu đoàn thám hiểm, hai trong số những xác ướp quan trọng nhất mà nhóm tìm thấy được chôn cất bằng bìa carton trang trí - một loại vật liệu làm bằng giấy cói và vải lanh mà người Ai Cập dùng để bọc xác ướp từ đầu đến chân.

Xác ướp đeo mặt nạ tử thần. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Một tấm bìa carton của xác ướp mô tả thần Osiris, trong khi tấm kia được trang trí với vương miện bằng sừng, một con rắn hổ mang trên trán và một chiếc vòng cổ hình đầu chim ưng, tượng trưng cho Horus, thần Mặt trời của Ai Cập.

Hai xác ướp cũng được chôn với các cuộn giấy hiện đang được giải mã.

Các nhà khảo cổ tìm thấy một xác ướp khác đeo mặt nạ tử thần - giúp dẫn đường cho hồn của người đã khuất nhập vào xác và bảo vệ người chết ở thế giới bên kia.

Đầu người bằng đá cẩm thạch. Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập

Khaled Abo El Hamd, người đứng đầu Bộ Cổ vật Alexandria, cho biết, đoàn thám hiểm cũng đã khai quật được tám chiếc đầu bằng đá cẩm thạch có từ thời Hy Lạp và La Mã. Những chiếc đầu được điêu khắc để giống với chủ nhân của chúng, những người có thể đã được chôn cất trong đền thờ.

Đây không phải là lần đầu tiên Đền Taposiris Magna, hay "ngôi đền vĩ đại của Osiris", khiến các nhà khảo cổ học phấn khích. Martínez cho rằng, Nữ hoàng Cleopatra huyền thoại, nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập qua đời vào năm 30 trước Công nguyên, được chôn cất ở đây.

Vào tháng 7, Martínez tìm thấy xác ướp được dát vàng trước khi được chôn cất vào khoảng thời gian trị vì của Nữ hoàng Cleopatra. Các tấm phủ vàng cho thấy hai người này có vai vế quan trọng trong xã hội cổ đại. Martínez cũng tìm thấy tiền xu được đúc trong triều đại của Cleopatra tại địa điểm này.

Nhưng theo cựu Bộ trưởng Quốc gia về Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass, người đã làm việc với Martínez trong một thập kỷ, "không có bằng chứng" Nữ hoàng Cleopatra được chôn cất tại Taposiris Magna.

Elizabeth Taylor trong vai Nữ hoàng Cleopatra. Ảnh: 20th Century Fox

Hawass nói với tờ Live Science: “Giờ tôi tin rằng Nữ hoàng Cleopatra đã được chôn cất trong lăng mộ mà bà ấy xây bên cạnh cung điện của mình, nằm dưới mặt nước. Ngôi mộ của nữ hoàng sẽ không bao giờ được tìm thấy".

Các nhà khảo cổ phát hiện cung điện của Nữ hoàng Cleopatra cách đây hơn 4 thập kỷ, cách không xa bến cảng phía đông Alexandria.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn