MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông John McFall trở thành phi hành gia khuyết tật đầu tiên trên thế giới. Ảnh: ESA

Phi hành gia khuyết tật đầu tiên trên thế giới lộ diện

Anh Vũ LDO | 24/11/2022 10:21

Bác sĩ dự bị, vận động viên John McFall bị mất chân phải sau một tai nạn xe máy năm 19 tuổi nhưng vẫn nuôi ước mơ trở thành phi hành gia và bay vào vũ trụ.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hôm 23.11 đã công bố phi hành gia khuyết tật đầu tiên trên thế giới, theo Engadget. John McFall, người đã mất chân phải ở tuổi 19, sẽ là người đầu tiên được tuyển dụng cho một chương trình mới nghiên cứu chỗ ở cho các phi hành gia khuyết tật.

Cơ quan này đã kêu gọi đăng ký vào tháng 3.2021, tìm kiếm những người khuyết tật có thể vượt qua bài kiểm tra nghiêm ngặt về thể chất và tâm lý. Chương trình sẽ điều tra những thay đổi và chi phí cần thiết để đưa các phi hành gia khuyết tật vào không gian.

Ông John McFall (giữa) cùng hai ứng cử viên khác của ESA. Ảnh: ESA

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã chọn ông John McFall trong số 257 người tham gia và mô tả ông là “nhà du hành vũ trụ khuyết tật” đầu tiên trên thế giới. Mùa xuân năm 2023, nhà du hành này sẽ bước vào chương trình đào tạo kéo dài 12 tháng tại Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở Cologne, Đức.

Ông John McFall, 41 tuổi, cho biết: “Nói chung, tôi cực kỳ quan tâm đến khoa học và việc khám phá không gian luôn nằm trong mục tiêu của tôi. Nhưng tôi bị tai nạn xe máy năm 19 tuổi và không thể gia nhập vào lực lượng vũ trang vì lý do này”.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu giới thiệu 17 ứng cử viên phi hành gia mới vào ngày 23.11 tại Paris. Ảnh: ESA

Sau tai nạn lấy đi một chân của John McFall, ông đã học chạy trở lại với chân giả và giành được huy chương đồng ở nội dung chạy 100 mét tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật năm 2008.

Ngoài ra, ông còn có một số bằng y khoa và là bác sĩ dự bị của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh từ năm 2014 đến năm 2016. John McFall đang làm việc với tư cách là bác sĩ chuyên khoa chấn thương và chỉnh hình ở South England.

“Vào đầu năm 2021, khi quảng cáo tuyển phi hành gia khuyết tật xuất hiện, tôi đã đọc thông số kỹ thuật và yêu cầu chương trình. Tôi nghĩ, đây quả là một cơ hội lớn và thú vị, và mình sẽ là một ứng cử viên rất sáng giá để giúp ESA trả lời câu hỏi mà họ đang đặt ra: Liệu có thể đưa một người khuyết tật vào không gian không? Tôi cảm thấy mình bắt buộc phải nộp đơn” - ông nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn