MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào ngày 27.4.2018.

Phi hạt nhân hóa - vấn đề cốt lõi trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều

VÂN ANH LDO | 27/04/2018 11:00
Khi 2 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử hôm nay (27.4), mọi con mắt sẽ đổ dồn vào chủ đề liệu 2 bên có tiến tới được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hay không.

3 nội dung nghị sự hàng đầu

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, kể từ năm 2000, bắt đầu lúc 9h30 sáng 27.4 (giờ địa phương) tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Yonhap dẫn lời Chánh văn phòng Nhà Xanh Im Jong-seok trong cuộc họp báo ngày 26.4 cho biết, theo kế hoạch, ông Kim Jong-un sẽ đi bộ qua biên giới tới Nhà Hòa bình, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân vào lãnh thổ Hàn Quốc kể từ cuối chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Trước đó, 2 nhà lãnh đạo cùng duyệt đội danh dự của Hàn Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, 1 nhà lãnh đạo Triều Tiên duyệt đội danh dự cùng Tổng thống Hàn Quốc.

Các nhà lãnh đạo sẽ bắt đầu cuộc đối thoại chính thức lúc 10h30, sau 1 cuộc họp sơ bộ ngắn tại Nhà Hòa bình. Ngoài ra, 2 nhà lãnh đạo sẽ ăn trưa riêng, nghỉ ngơi ngắn trước khi gặp gỡ và cùng trồng cây lưu niệm. Cây lưu niệm được xác định là 1 cây thông. Ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un cũng sẽ đặt 1 viên đá có dòng chữ: “Tại đây chúng tôi trồng hòa bình và thịnh vượng”.

Theo Chánh văn phòng Nhà Xanh, 3 nội dung nghị sự hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Triều Tiên là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thiết lập hòa bình lâu dài và cải thiện quan hệ liên Triều. “Không có tiến bộ về phi hạt nhân hóa, sẽ không thực tế để thực hiện các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình” - một quan chức chính phủ cao cấp nói với phóng viên trước cuộc thượng đỉnh, dường như chỉ ra rằng, phi hạt nhân hóa sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Kể từ năm 2006, Triều Tiên tiến hành tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân, trong đó, vụ thử lớn nhất diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, với tuyên bố ngay sau đó của Bình Nhưỡng là đã hoàn thành kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng đến cuộc thượng đỉnh với Hàn Quốc và sau nữa là Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng thảo luận về phi hạt nhân hóa.

Cuối tuần trước, Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân, đồng thời đóng cửa bãi thử hạt nhân mang tính biểu tượng Punggye-ri - nơi diễn ra tất cả 6 lần thử của Triều Tiên. Giới chuyên gia nhìn nhận, những biện pháp mới nhất này có ý nghĩa lớn ở chỗ, nó thể hiện sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân, mặc dù một số nhà chỉ trích nói rằng, điều đó chưa đủ để khẳng định mức độ nghiêm túc này.

Vẫn chưa rõ, liệu Triều Tiên có đồng ý với các điều khoản của Hàn Quốc và Mỹ về cách thức và tốc độ thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa hay không. Bình Nhưỡng được cho là đề xuất các biện pháp phi hạt nhân đồng bộ hóa theo giai đoạn, nhưng Mỹ kêu gọi nước này giải trừ hạt nhân một cách đầy đủ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Thậm chí, ngay cả khi Triều Tiên đồng ý về 1 thỏa thuận phi hạt nhân hóa, thì cũng chưa rõ, liệu những chi tiết về thời gian biểu cần thiết hay bất kỳ nhượng bộ nào mà Bình Nhưỡng đòi hỏi để đổi lấy phi hạt nhân có thể giải quyết trong hội nghị thượng đỉnh lần này không.

Một số nhà phân tích cho rằng, hội nghị thượng đỉnh liên Triều chỉ có thể thành công khi nó đạt được mục tiêu là xác định cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và đưa ra những thỏa thuận rộng hơn về vấn đề này, 1 kết quả quan trọng dẫn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa 1 nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đương nhiệm, dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

9 quan chức cốt cán tháp tùng ông Kim Jong-un

Phía Triều Tiên hôm 26.4 đã chốt danh sách 9 quan chức cốt cán trong Đảng, Chính phủ và quân đội, tháp tùng ông Kim Jong-un đến dự hội nghị thượng đỉnh, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Triều Tiên Ri Myong-su; Tư lệnh các lực lượng vũ trang Triều Tiên Pak Yong-sik; Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho; Bà Kim Yo-jong - em gái ông Kim Jong-un...

Yonhap nhận định, hiếm khi Bình Nhưỡng cho các quan chức quân sự và các nhà ngoại giao hàng đầu vào danh sách đoàn tháp tùng trong các hội nghị thượng đỉnh. Trong hội nghị thượng đỉnh năm 2000 và 2007, các quan chức Triều Tiên này không có trong danh sách đoàn. “Dường như Bình Nhưỡng cho các quan chức quân sự vào đoàn tháp tùng khi vấn đề phi hạt nhân của Triều Tiên và cách để thiết lập hòa bình lâu dài cũng như giảm căng thẳng sẽ là các nội dung chủ yếu được thảo luận,” - ông Im Jong-seok nói.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ đi dạo cùng nhau trước khi công bố kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ kết thúc sau bữa tiệc chiêu đãi vào buổi tối do Tổng thống Moon Jae-in tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn