MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiến đá cổ niên đại 4.000 năm trước được xác định là một bản đồ khu vực cổ nhất từng được biết đến ở Châu Âu. Ảnh: Inrap

Phiến đá cổ niên đại 4.000 năm bất ngờ lộ diện công dụng thực sự

Phương Linh LDO | 08/04/2021 20:00

Phiến đá cổ khai quật ở Pháp năm 1900 bất ngờ được phát hiện là bản đồ lâu đời nhất được biết đến ở Châu Âu.

Theo BBC, một phiến đá cổ niên đại 4.000 năm - đặt tên là Saint-Bélec Slab - được khai quật lần đầu tiên vào năm 1900 nhưng bị lãng quên nhiều năm và được di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Pháp.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2017, các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Khảo cổ học Dự phòng Quốc gia Pháp (Inrap) - cơ quan chuyên trách khảo cổ lớn nhất của Pháp - Đại học Bournemouth và Đại học Western Brittany mới để mắt đến phiến đá cổ có hình chạm khắc trên bề mặt này.

Phiến đá có kích thước 1,5m x 1,8m gồm nhiều yếu tố mà các nhà nghiên cứu cho là một bản đồ thời tiền sử ''với các mô típ lặp đi lặp lại nối với nhau bằng các đường nét tạo nên bố cục một bản đồ''.

Hình khắc trên phiến đá cổ chính là bản đồ mô tả khu vực quanh sông Odet, Tây Brittany của Pháp. Ảnh: Inrap

Sử dụng các khảo sát 3D có độ phân giải cao và phép đo quang trắc, nhóm nghiên cứu đã có thể xác nhận các nét khắc khớp với 80% diện tích bao quanh sông Odet dài 29km, thuộc khu vực Tây Brittany của Pháp và được khắc cách đây 4.000 năm. Tuy nhiên, đến thời kỳ đồ đồng sớm, nó được tái sử dụng làm vách lăng mộ với hình khắc quay vào bên trong.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, bề mặt chạm khắc của phiến đá được tạo hình 3D có chủ đích nhằm thể hiện thung lũng của sông Odet, trong khi một số đường nét dường như mô tả mạng lưới sông.

Khu vực Tây Brittany được mô phỏng lại trên bản khắc đá cách đây 4.000 năm. Ảnh: Inrap

Theo kết quả nghiên cứu, mục đích của cổ vật bằng đá đặc này nhằm nhấn mạnh rằng, khu vực trên bản đồ đá là một lãnh địa của một thực thể chính trị có thứ bậc và được kiểm soát chặt chẽ thuộc vào đầu thời kỳ đồ đồng.

Tiến sĩ Clément Nicolas từ Đại học Bournemouth - một trong những tác giả của nghiên cứu - phát biểu trên BBC: “Đây có lẽ là bản đồ lâu đời nhất của một lãnh thổ từng được biết đến''.

''Cũng có một số bản đồ khắc đá tương tự trên khắp thế giới. Nhìn chung, chúng chỉ là diễn giải. Nhưng đây là lần đầu tiên có một bản đồ mô tả một khu vực dựa trên một tỉ lệ cụ thể'' - tiến sĩ cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn