MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Philippines thông báo ngưng xuất khẩu lao động sang Qatar. Ảnh: Reuters

Philippines ngưng xuất khẩu lao động sang Qatar vì lo thiếu thực phẩm

Hà Liên LDO | 07/06/2017 11:59
Ngày 6.6, giới chức Philippines thông báo ngừng xuất khẩu lao động sang Qatar, quốc gia vùng Vịnh đang bị hàng loạt các nước cô lập, chấm dứt quan hệ ngoại giao.

Chính phủ Philippines bày tỏ sự lo ngại về tình hình của 140 nghìn người lao động nước này đang làm việc tại Qatar, đồng thời đề cập tới việc Qatar bị cô lập giao thông đường thủy, đường không sẽ dẫn tới thiếu lương thực và bất ổn và ảnh hưởng tới người lao động nhập cư.

“Thực tế Qatar không tự sản xuất lương thực. Nếu có việc gì xảy ra dẫn tới cạn kiệt lương thực khiến các cuộc bạo động đòi lương thực xảy ra thì chắc chắn những lao động người nước ngoài sẽ là những nạn nhân đầu tiên”, ông Silvestre Bello - Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Philippines - nói.

Việc Philippines ngừng xuất khẩu lao động sang Qatar được áp dụng đối với các lao động mới được cấp phép và đang chuẩn bị lên đường đến Qatar. Cũng theo ông Bello, đây là động thái của chính phủ để bảo vệ người lao động người Philippines.

Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia có số lao động đang làm việc tại Qatar lớn nhất - với 650 nghìn người, lại không mấy băn khoăn về tình hình hiện tại của Qatar. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushuma Swaraj cho biết: “Không có thách thức nào với chúng tôi trong tình huống này”.

Vương quốc Nepal có 400 nghìn lao động đang sinh sống, làm việc tại quốc gia vùng Vịnh đang bị cô lập này. Theo Ganesh Gurung - chuyên gia về lao động và nhập cư ở thủ đô Kathmandu, nhiều tài xế xe tải người Nepal đã mất việc vì biên giới Qatar – Saudi Arabia bị đóng cửa. Nếu khủng hoảng tại Qatar tiếp tục kéo dài nhiều người sẽ tiếp tục mất việc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Nepal vốn phụ thuộc nhiều vào lượng kiều hối.

Ai Cập, quốc gia tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar ngày 5.6, có khoảng 70 nghìn người dân đang sống tại Qatar. Tuy nhiên, Ai Cập không yêu cầu người dân trở về nước như Saudi Arabia và UAE.

Nabila Makram - Bộ trưởng Bộ Di cư và các vấn đề về người Ai Cập ở nước ngoài - cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị để đón các công dân Ai Cập trở về nếu có một quyết định như vậy được đưa ra. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển giao. Đại sứ quán sẽ giám sát và tiếp tục thực hiện các dịch vụ lãnh sự”.

Qatar là quốc gia phụ thuộc lớn vào lao động người nước ngoài. Hơn 1 nửa trong số 2,5 triệu dân của nước này là người ngoại quốc. Ấn Độ, Nepal và Bangladesh là những nước có số lao động làm việc lớn tại Qatar, phần lớn trong lĩnh vực xây dựng.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn